Phát triển di sản văn hóa dân tộc

28/11/2022 - 07:08

 - Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tại An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tỉnh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo… đã hình thành những giá trị văn hóa phong phú, với nhiều lễ hội dân gian, tạo nên nét đẹp rất riêng của văn hóa An Giang.

Độc đáo di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê

An Giang có nền văn hóa đa bản sắc với 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa sinh sống. Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh có điều kiện giao lưu, tỏa sáng và kết hợp văn hóa thành nét đẹp truyền thống đặc sắc. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.287 di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa, miếu; nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống hang động và di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đáng tự hào.

Trong đó, toàn tỉnh hiện có 87 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Di tích khảo cổ - kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê), 28 di tích quốc gia và 57 di tích cấp tỉnh. Hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh… đã đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua.

Trong đó, năm 2012, Di tích khảo cổ - kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ, nền văn hóa gắn liền với lịch sử Vương quốc Phù Nam.

Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền Văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo, dưới chân núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn). Di tích có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433,1ha, trong đó, diện tích khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) 143,9ha, cánh đồng Óc Eo (khu B) 289,3ha.

Óc Eo được biết đến như một nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu ở vùng đất Nam Bộ - Việt Nam những năm đầu Công nguyên. Chính nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã phát hiện và định danh nền Văn hóa Óc Eo vào năm 1944. Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang có hơn 80 di tích văn hóa Óc Eo, trong đó Di tích Óc Eo - Ba Thê được xác định có vị trí hết sức quan trọng, nơi đây từng là một đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của Vương quốc Phù Nam xưa.

Đặc biệt, Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê được các nhà khoa học và các nhà quản lý nhận định có đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành Di sản văn hóa Thế giới của UNESCO. Ngày 4/1/2022, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa vào danh sách dự kiến đề cử di sản văn hóa thế giới.

Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giềng cho biết, kể từ khi được phát hiện và định danh vào năm 1944 đến nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê đã trải qua 78 năm khai quật và nghiên cứu, với sự nỗ lực của Chính phủ, tỉnh An Giang, huyện Thoại Sơn, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn, nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê chứa đựng những giá trị nổi bật không chỉ mang tầm quốc gia, mà có tính chất toàn cầu.

Bảo tồn và phát huy giá trị

Ngoài Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, An Giang còn có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất đặc sắc, đa dạng của cộng đồng các dân tộc với trên 160 lễ hội truyền thống, chứa đựng những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa... tạo thành nét độc đáo, đặc sắc riêng của mỗi dân tộc.

Tiêu biểu, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia) và lễ hội đua bò Bảy Núi (vào dịp Tết Sen Dolta của người Khmer Nam Bộ) được cộng đồng cư dân hưởng ứng mạnh mẽ, tạo nên nét đẹp văn hóa và là điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực và cả nước.

“Những năm qua, An Giang luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định biên giới. Do đó, tỉnh tích cực triển khai quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đồng thời thực hiện một số giải pháp bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa An Giang”- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, thời gian qua, sở phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; lập kế hoạch trùng tu di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; đề xuất Trung ương hỗ trợ trùng tu các di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, nhân dân đã đóng góp kinh phí cùng với nhà nước trùng tu 69 đình làng, nhằm bảo tồn, gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống làng xã của địa phương.

Đồng thời, tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là di sản văn hóa và văn hóa truyền thống các dân tộc, thông qua nghiên cứu, đề nghị xếp hạng di tích, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới; tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Chăm, Khmer hàng năm; chú trọng quản lý, tổ chức lễ hội trang trọng, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục.

Một số lễ hội lớn, như: Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu, lễ giỗ Đức Quản cơ Trần Văn Thành… được tổ chức chu đáo, quy mô, trang trọng; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn, tạo được sức lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia… Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và lễ hội văn hóa truyền thống của tỉnh.

Di sản văn hóa dân tộc là tài sản quý giá của mỗi quốc gia, là linh hồn, hạt nhân gắn kết dân tộc. Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

MINH THƯ