Phát triển du lịch vùng đầu nguồn biên giới

03/09/2020 - 06:25

 - An Phú là vùng đất có vị trí địa lý rất đặc biệt, có đồng bằng rộng lớn, nhiều sông, rạch, có hệ thống đường bộ, đường thủy thông thương với TP. Châu Đốc, có biên giới và nhiều cửa khẩu thuận lợi qua lại Campuchia. Nhiều di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa, có đồng bào dân tộc thiểu số Chăm với nét văn hóa, kiến trúc đặc sắc...

Nền tảng để phát triển

Hầu hết diện tích huyện An Phú (An Giang) đều là đồng bằng, đất đai phù sa màu mỡ. Hàng năm từ tháng 6, mực nước trên sông Mekong dâng cao, mưa nhiều kết hợp với lượng nước từ thượng nguồn đổ về làm nên mùa nước nổi. Theo đó, người dân tập trung khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản tăng thêm thu nhập trở thành tập quán sinh hoạt rất riêng của vùng đồng bằng sông nước.

Sự đa dạng về văn hóa của 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cũng là một nguồn khám phá bất tận. Các dân tộc anh em ở đây luôn sống trong tình đoàn kết chan hòa, đậm đà bản sắc. Nơi đây có những lễ hội quen thuộc như: Lễ hội mùa nước nổi, Lễ hội văn hóa thể thao truyền thống 2-9, những ngày văn hóa thể thao đồng bào Chăm… và các địa danh như: xóm Chăm, làng bè Đa Phước, khu sinh thái lòng hồ búng Bình Thiên, giồng cây da với cây da trên 350 tuổi... từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng sông nước cũng như du khách gần xa. Mỗi năm, hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến An Phú.

Gần đây, cầu Long Bình - Chrey Thom nối liền đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia cũng tạo ra một tiềm năng du lịch (DL), hứa hẹn rất lớn cho sự phát triển của địa phương. Đặc biệt là người dân ở đây vô cùng hiếu khách. Chính quyền địa phương luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư và du khách đến đây để làm giàu, làm đẹp cho quê hương.

Đặc sắc văn hóa Chăm

Lên cầu Cồn Tiên nhìn xuống, ấn tượng đầu tiên là làng bè trải dọc theo sông Hậu. Tập quán sinh sống trên sông nước của người dân vùng đầu nguồn biên giới đã thu hút sự hiếu kỳ và trải nghiệm của du khách. Nhà bè trở thành một kiểu nhà độc đáo “nửa chìm nửa nổi” được nhắc đến trên những diễn đàn DL thế giới. Cách đó không xa là thánh đường Hồi giáo uy nghi, cổ kính của làng Chăm Đa Phước, thánh đường được xây dựng với kiến trúc chóp và tháp tròn tinh xảo. Bên khung dệt, những cô gái Chăm yêu kiều với những sản phẩm truyền thống, thủ công mỹ nghệ.

Đặc sắc “Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi búng Bình Thiên” chỉ có ở An Phú. (HỮU HUYNH)

An Phú có đến 5 xóm Chăm trong tổng số 9 xóm Chăm ở An Giang. Đến với cộng đồng người Chăm Islam ở An Phú, du khách đến với một bản sắc dân tộc kết hợp với tôn giáo, hào hứng với những triết lý nhân sinh ẩn chứa trong từng ngôi nhà sàn gỗ cổ kính, trong từng chiếc ghe mui tròn đặc trưng, trong từng hoa văn và chi tiết trên các sản phẩm dệt, trong từng bộ trang phục hay chiếc khăn đội đầu ma-tơ-ra. Những món ăn như: cơm nị, cà púa, tung lò mò được chế biến cầu kỳ, theo hương vị riêng chỉ có ở người Chăm và văn hóa Chăm sẽ làm cho những ai nếm thử một lần đều nhớ đến đất, đến người ở nơi đây.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Dọc theo Quốc lộ 91C đến ngã tư Quốc Thái, rẽ trái đi tiếp vài trăm mét là đến nơi có hồ nước huyền thoại với tên gọi búng Bình Thiên, một hồ nước ngọt thiên nhiên rộng mênh mông, trong xanh quanh năm, nằm cặp sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu). Theo khảo sát của các ngành chuyên môn, lòng búng Bình Thiên có diện tích mặt nước vào mùa nước cạn khoảng 300ha, vào mùa nước nổi khoảng 900ha, độ sâu trung bình khoảng 4m, đặc biệt không bao giờ cạn nước. Cửa búng nối liền với sông Bình Di, vào mùa nước lũ, nước dòng sông đỏ nặng phù sa nhưng khi chảy vào cửa búng khoảng trăm mét thì nước trở nên trong xanh, phẳng lặng.

UBND tỉnh đã công bố quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng khu DL sinh thái búng Bình Thiên kết hợp khu DL nghỉ dưỡng và giải trí với diện tích khoảng 139ha, nằm trong tuyến DL thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu quốc gia Khánh Bình nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ở búng Bình Thiên. (HỮU HUYNH)

An Phú còn thu hút du khách gần xa với những địa chỉ quen thuộc như: giồng cây da (xã Khánh An) với cây da cổ thụ sống gần 4 thế kỷ. Cây da không chỉ là nhân chứng sống với bao huyền thoại, mà còn là biểu tượng tinh thần của người dân địa phương. Cũng tại xã Khánh An, du khách có thể tham quan làng nghề và thưởng thức món khô cá sặc rằn của người dân vùng sông nước An Phú, được thực khách nhiều nơi ưa thích.

Đến thị trấn biên giới Long Bình, du khách có thể tha hồ mua sắm các sản phẩm thương hiệu từ Thái Lan, Lào, Campuchia… và tham quan cột mốc 246.1, ngắm nhìn thượng nguồn Mekong, viếng chùa Linh Ẩn (nơi có tượng Phật A Di Đà “hai mặt” (mặt trước hướng về Việt Nam (cổng chùa Linh Ẩn), còn mặt kia hướng về Campuchia, cao 25m, lớn nhất miền Tây), tham quan cầu Long Bình - Chrey Thom nối liền biên giới…

Đến với An Phú để được thưởng ngoạn một bức tranh thủy mặc mê đắm lòng người với non nước, mây trời, khám phá cuộc sống của những người dân tộc thiểu số và có những phút giây thanh tịnh, thư giãn với văn hóa tâm linh riêng có của nơi này.

Box: Huyện An Phú xác định quy hoạch phát triển DL dựa vào cộng đồng và huy động nguồn lực của cộng đồng để làm DL. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tạo ra điểm nhấn, đa dạng sản phẩm DL gắn với việc mỗi xã một sản phẩm OCOP và DL nông nghiệp gắn với công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản mùa nước nổi… Phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh thiết kế làng bè đa sắc màu trên sông Hậu tại xã Đa Phước, đưa vào khai thác sử dụng Nhà văn hóa Chăm, khôi phục làng nghề truyền thống… góp phần mang đến cho du khách những cảm nhận ấn tượng khi đến vùng đất đầu nguồn.

ĐOÀN BÌNH LÂM – HỮU HUYNH