Các quỹ tín dụng nhân dân nỗ lực vượt qua khó khăn
Vốn, lợi nhuận đều tăng
Các quỹ tín dụng nhân dân chủ động nguồn vốn hoạt động, ít phụ thuộc vào nguồn vốn đi vay. Thu hẹp địa bàn hoạt động theo Thông tư 21/2019/TT-NHNN, nhưng chất lượng tín dụng ở mức khá tốt. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 1,5%, nợ xấu chỉ chiếm hơn 1,2% trong tổng dư nợ, không có quỹ tín dụng nhân dân nào phát sinh nợ xấu trên 3%, bị kiểm soát đặc biệt.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng nhận định: “Kết quả này chứng tỏ chất lượng tín dụng trong hoạt động cấp tín dụng được nâng lên, chấp hành nghiêm quy định, chỉ đạo của NHNN Việt Nam, quy chế của quỹ tín dụng nhân dân về lãi suất, phí, phân nhóm nợ chính xác, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ trong năm 2023, thực hiện giảm lãi suất cho vay theo chủ trương. Đồng thời, các đơn vị đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm bớt quy trình, thủ tục cho vay, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, tạo thuận lợi cho thành viên và người dân tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng”.
Một số quỹ tín dụng nhân dân có quy mô hoạt động lớn, từ năm 2020 đến khoảng tháng 10/2022 đã chủ động giảm quy mô (huy động vốn và cho vay); củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, như: Cơ cấu lại nguồn vốn - sử dụng vốn, kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu; củng cố, tiêu chuẩn hóa bộ máy tổ chức, cán bộ.
Dù tổng nguồn vốn hoạt động tăng thấp (0,3%, tương đương 10,5 tỷ đồng), cơ cấu nguồn vốn vẫn chuyển biến tích cực. Kết quả kinh doanh đến cuối tháng 11/2023 quỹ tín dụng nhân dân có thu nhập cao hơn chi phí (có lãi). Tính chung 24 quỹ tín dụng nhân dân có lãi trên 62,7 tỷ đồng (tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2022). Tổng dư nợ cho vay giảm hơn 515 tỷ đồng (giảm 16%). Trong đó, quỹ tín dụng nhân dân dư nợ cho vay giảm so cuối năm 2022; quỹ tín dụng nhân dân dư nợ cho vay tăng hơn 38 tỷ đồng.
Khắc phục hạn chế
Bên cạnh thuận lợi, hoạt động quỹ tín dụng nhân dân còn hạn chế trong tiến độ xử lý thu hồi nợ xấu; nợ thông qua thi hành án còn chậm, kết quả xử lý nợ gặp nhiều vướng mắc. Một số quỹ tín dụng nhân dân chưa thực hiện tốt Thông tư 21/2019/TT-NHNN về địa bàn hoạt động, tiêu chuẩn, điều kiện với cán bộ chủ chốt. Nợ quá hạn, nợ xấu ở một số thời điểm còn tăng... Tuy chưa xảy ra vi phạm pháp luật, nhưng tại đa số quỹ tín dụng nhân dân, ban kiểm soát chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ để phát hiện sai sót nghiệp vụ, hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động...
Về chất lượng tín dụng, mặc dù số dư nợ quá hạn giảm gần 7,2 tỷ đồng; nhưng số dư nợ xấu đã tăng hơn 6,9 tỷ đồng so cuối năm 2022. Số dư nợ xấu đến ngày 30/11/2023 là 33,7 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ, chiếm 85,8% nợ quá hạn. Trong tổng nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) gần 20 tỷ đồng. So cuối năm 2022, nợ nhóm 5 tăng 4,8 tỷ đồng. Nếu so 10 năm trước, tổng dư nợ tăng 99 tỷ đồng, nợ quá hạn tăng 6,4 tỷ đồng, nợ xấu tăng 7,5 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 3,3 tỷ đồng.
Một số quỹ tín dụng nhân dân mặc dù tỷ lệ nợ xấu chưa đến 3%, nhưng đã ở mức trên 2%, kéo dài từ đầu năm 2023 và chậm xử lý. Tính chung 24 quỹ tín dụng nhân dân, nếu so vốn chủ sở hữu thì nợ có khả năng mất vốn chiếm 5,7%, so vốn điều lệ chiếm 12,9%. Tình hình trên cho thấy, chất lượng tín dụng chưa được kiểm soát tương ứng với mức độ tăng trưởng tổng dư nợ; nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn đều có chiều hướng tăng lên, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nợ quá hạn. Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, hiện tượng thừa vốn thể hiện rõ, có xu hướng ngày càng tăng. Một số quỹ tín dụng nhân dân chưa theo dõi thu nợ lãi; trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro chưa đúng quy định... Qua thanh tra, đã xử phạt vi phạm hành chính 3 đơn vị.
NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh yêu cầu các quỹ tín dụng nhân dân tập trung thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Quỹ tín dụng nhân dân đã được chấp thuận chủ trương chuyển trụ sở chính để liền kề với nhiều địa bàn hoạt động, cần khẩn trương thực hiện; nâng cao năng lực thẩm định, phê duyệt cho vay, hạn chế nợ quá hạn, đảm bảo an toàn hoạt động; nghiêm túc xử lý để chấm dứt dư nợ ở địa bàn không liền kề... Có giải pháp tiết kiệm chi phí, tập trung nguồn lực hỗ trợ thành viên vay vốn trong bối cảnh khó khăn, để thành viên gắn bó với quỹ tín dụng nhân dân, đưa quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
HẠNH CHÂU