Phát triển kinh tế biên mậu

20/02/2019 - 07:45

 - Tỉnh An Giang có đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia), với 5 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính: Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai), có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thương mại nội địa và xuất, nhập khẩu.

Xác định kinh tế biên mậu là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, những năm gần đây, kinh tế biên mậu của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, hàng hóa phong phú với nhiều chủng loại, nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm người dân vùng biên và Campuchia. Với truyền thống hữu nghị có từ lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cư dân biên giới thường xuyên mua bán, trao đổi hàng hóa, vừa là đối tác, vừa là bạn hàng tin cậy của nhau, góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm.

Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam cho biết: “Kết quả đạt được là sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương trong công tác xúc tiến mời gọi đầu tư phát triển thương mại biên giới. Từ năm 2018 đến nay, An Giang đã tiếp và làm việc trên 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các khu chức năng các khu kinh tế cửa khẩu thuộc các ngành nghề: may mặc, giày dép; túi xách; dệt nhuộm, nhà máy chế biến nông sản, đầu tư khu thương mại - dịch vụ hỗn hợp, khu, cụm công nghiệp và các dịch vụ cảng đường sông, logistics”.

Phát triển kinh tế biên mậu

Khánh thành điểm tập trung hàng hóa tại Cửa khấu Khánh Bình

Năm 2018 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án tại Khu thương mại công nghiệp Vĩnh Xương (Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hữu Nhân, thực hiện dự án cây xăng, bãi xe, trạm dừng chân kinh doanh ăn uống, bán hàng đặc sản). Tổng vốn đăng ký đầu tư 23 tỷ đồng, diện tích thuê 0,9ha đất. Đang hướng dẫn 1 nhà đầu tư trong nước thực hiện các thủ tục về đăng ký đầu tư thực hiện dự án Trung tâm thương mại, chợ, khách sạn, casino, trò chơi giải trí có thưởng, hệ thống vận tải logistics, kho ngoại quan, cảng cạn, cảng sông... tại Khu thương mại công nghiệp Vĩnh Xương; diện tích thuê đất khoảng 21,5ha, tổng vốn đăng ký 2.070 tỷ đồng.

Tại Khu thương mại dịch vụ Cửa khẩu Khánh Bình đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 nhà đầu tư thực hiện dự án: kinh doanh các mặt hàng nông, thủy sản, siêu thị, trưng bày sản phẩm đặc trưng vùng biên giới, dịch vụ ăn uống, khu dịch vụ kho bãi, lưu trữ hàng hóa, kho ngoại quan và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu... với tổng diện tích cho thuê 8,6ha. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã chấp thuận cho 3 nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án: gian hàng trưng bày kinh doanh và phân phối các mặt hàng xuất khẩu; nhà máy sản xuất lưới sắt B40; trung tâm vui chơi, giải trí... với tổng diện tích cho thuê 3,51ha.

Phát triển kinh tế biên mậu

Hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao thương vùng biên giới

Theo ông Nam, tình hình hoạt động thương mại tại Khu kinh tế cửa khẩu An Giang khá nhộn nhịp. Tại Cửa khẩu Tịnh Biên hiện có 2 dự án đang hoạt động (Công ty TNHH đầu tư Đông Dương, Công ty Cổ phần SXTM XNK Hòa Thắng) và 1 dự án kho ngoại quan kết hợp kho xăng dầu của Công ty Cổ phần DSG Logistics, với tổng vốn đầu tư đăng ký 180 tỷ đồng. Tại cửa khẩu Long Bình có 1 dự án Khu dịch vụ, kho ngoại quan và bãi kiểm tra hàng hóa Hải Thịnh Phát (tại thị trấn Long Bình, An Phú) với diện tích gần 30ha, tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng... Ngoài ra, Khu thương mại Tịnh Biên (khu phi thuế quan) đã được điều chỉnh quy hoạch sang Khu thương mại - dịch vụ Tịnh Biên (không phi thuế quan).

Tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, tạo môi trường kích thích tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, cải tạo, nâng cấp và phát triển mạng lưới chợ, đặc biệt là các chợ vùng biên. Tổ chức quản lý các chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, tạo uy tín trong kinh doanh với mục tiêu ngày càng thu hút đông du khách, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo bước đột phá cho kinh tế vùng biên.

Ông Nam chia sẻ: “Để duy trì và tiếp tục phát huy thế mạnh giao thương khu vực biên giới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từng bước đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biên giới với mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đưa An Giang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của vùng và cả nước vào thị trường Campuchia và tiến tới thị trường các quốc gia Asean. Ngày 31-10-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm phát huy lợi thế về hạ tầng cửa khẩu, tài nguyên và vị trí địa lý của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản”.

Đề án đã đưa ra các giải pháp về: cơ chế, chính sách; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại biên giới; dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ; giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa; xúc tiến thương mại; phát triển chuỗi cung ứng; chuyển đổi cơ cấu hàng hóa và phương thức kinh doanh trong thương mại biên giới… Khi những giải pháp này được thực hiện đồng bộ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thương mại biên giới trên địa bàn, đóng góp vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực biên giới nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

HẠNH CHÂU