Phát triển kinh tế từ chả cá thát lát

16/09/2024 - 08:37

 - Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc nuôi cá thát lát, gia đình chị Châu Thị Thùy Diễm (xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã tìm tòi, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ cá thát lát ướp gia vị. Sản phẩm đang được người tiêu dùng đón nhận và có đầu ra ổn định. Việc phát triển sản phẩm chả cá thát lát còn góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.

Đa dạng sản phẩm

Những năm qua, Hội Nông dân xã Phú Bình triển khai thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu.

Bên cạnh đó, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, tăng lợi nhuận kinh tế, giải quyết lao động, góp phần phát trển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, gia đình chị Châu Thị Thùy Diễm là một điển hình trong phong trào nông dân SXKD giỏi. Với tư duy nhạy bén cùng óc tìm tòi, ham học hỏi, chị Diễm đã phát triển kinh tế gia đình từ việc sản xuất các sản phẩm từ cá thát lát.

Gia đình chị Diễm có truyền thống làm ruộng, bản thân chị là giáo viên. Để tăng thêm thu nhập, năm 2008, gia đình chị Diễm bắt đầu nuôi cá thát lát cườm (còn gọi là cá nàng hai). Thực hiện mô hình, chị Diễm mua bột cá nàng hai để ươm và nuôi trong bể, sau hơn 1 tháng thả xuống mùng nuôi. Cá nuôi trong thời gian khoảng 8 tháng, chị Diễm xuất bán cho thương lái. Cũng như nhiều nông dân khác, chị Diễm gặp tình trạng ép giá, đầu ra bấp bênh…

Các sản phẩm từ cá thát lát  

Với tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, từ những khó khăn trên, gia đình chị Diễm bắt đầu suy nghĩ đến việc chế biến những sản phẩm cá thát lát. “Tôi mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị. Đồng thời, xây dựng quy trình chế biến cá thát lát, từ khâu ươm giống, nuôi cá nguyên liệu đến sản xuất thành các sản phẩm để đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, thông qua việc tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân xã về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhận thấy chương trình giúp người sản xuất khơi dậy tiềm năng, tận dụng sản phẩm lợi thế của địa phương phát triển các mô hình sản xuất, tiếp cận khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, tôi quyết tâm nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới từ loại thủy sản này” - chị Diễm chia sẻ thêm.

Qua quá trình nghiên cứu tài liệu, quy trình sản xuất, cách tẩm ướp hương vị đậm đà, đặc trưng của miền Tây, chị Diễm đã chế biến thành công các sản phẩm từ cá thát lát, như: Chả cá thát lát tươi, cá thát lát để nguyên con muối sả ớt, chả cá thát lát tẩm gia vị.

Chị Diễm chia sẻ thêm: “Thành công trên đã tạo động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị. Sản phẩm vẫn giữ nguyên phần hình thể con cá, phần thịt cá bên trong tách hết xương, tẩm gia vị và đưa trở lại thân cá, tạo hình nguyên con cá ban đầu. Các sản phẩm làm ra đều được kiểm nghiệm chất lượng, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng”.

Nâng cao chất lượng

Trên đà phát triển, gia đình chị Diễm đăng ký sản phẩm để kinh doanh và thành lập Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Thanh Tùng (tổ 10, ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân). Sản phẩm cá thát lát Thanh Tùng đã có mặt ở Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc); đại lý phân phối tại phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), Siêu thị Co.opmart... Mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường 3 - 4 tấn sản phẩm, giá bán từ 75.000 - 135.000 đồng/sản phẩm (tùy loại).

“Tiếp nối thành công với các sản phẩm chả cá rút xương tẩm gia vị, chả cá tẩm gia vị, cá thát lát muối sả… Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Thanh Tùng tiếp tục nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm ốc nhồi cá thát lát và lạp xưởng cá thát lát. Sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; Chi cục trưởng Chi cục Công thương địa phương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022” - chị Diễm chia sẻ thêm.

Các sản phẩm ốc nhồi cá thát lát và lạp xưởng cá thát lát được người tiêu dùng đánh giá cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Mỗi tháng, công ty bán ra thị trường 500 - 600kg lạp xưởng cá thát lát, giá bán bình quân 140.000 đồng/sản phẩm (500gr). Thông qua việc kinh doanh các sản phẩm từ cá thát lát đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình chị Diễm trên 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho 14 - 20 lao động, với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng tùy công việc. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Việc đầu tư chuyển đổi phương thức, mô hình sản xuất, chế biến là hướng đi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế; vừa giải quyết sản lượng cá nuôi tồn đọng, vừa có thêm sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giải quyết được lao động, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Chị Diễm cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm từ cá thát lát để góp phần đa dạng các sản phẩm của địa phương”. 

ĐỨC TOÀN