Phát triển kinh tế từ mô hình vườn đa canh

24/03/2021 - 03:38

 - Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, nông dân Lê Dũng Mạnh (xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc, An Giang) đã tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình vườn đa canh, với nhiều loại cây ăn trái.

Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cây ăn trái, anh Mạnh cho biết, trước đây nguồn thu nhập chính chủ yếu từ trồng lúa nhưng năng suất thấp, giá cả bấp bênh và lợi nhuận không cao. Với quyết tâm bám trụ và làm giàu trên mảnh đất quê hương, cùng với việc phát động của hội nông dân các cấp, chính quyền địa phương về quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp, anh Mạnh tự tin hơn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất.

“Tôi đã chuyển đổi 5,5ha đất trồng lúa sang đất vườn để trồng các loại cây ăn trái, như: sầu riêng, nhãn, mít Thái, mãng cầu hoàng hậu… Sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn cây ăn trái phát triển tốt, đã cho nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình từng bước nâng lên” - anh Mạnh chia sẻ.

Hiện tại, vườn cây ăn trái của anh Mạnh trồng 170 gốc sầu riêng, 800 gốc mít Thái, 2.000 gốc thanh nhãn và 4.000 gốc mãng cầu hoàng hậu. Trong đó, gốc thanh nhãn đã thu hoạch đợt “trái chiến” đầu tiên vào năm 2020 với năng suất khoảng 10kg trái/gốc, bán với giá 100.000 đồng/kg. Mãng cầu hoàng hậu cho trái mỗi năm 2 đợt, năng suất những đợt đầu khoảng 5kg trái/cây, bán với giá từ 45.000-50.000 đồng/kg. Mít Thái đang cho trái đều, cách 7 ngày thu hoạch 1 lần, năng suất cả vườn đạt khoảng 400kg trái, bán thương lái với giá dao động từ 20.000-50.000 đồng/kg.

“Tuy vốn chuyển đổi và đầu tư vườn cây ăn trái nhiều, nhưng với năng suất cây ăn trái năm sau cao hơn năm trước và giá bán tương đối ổn định như hiện nay, dự kiến khoảng 3 năm nữa tôi có thể hoàn vốn và hưởng lợi từ những năm tiếp theo” - anh Mạnh cho biết.

Anh Mạnh chăm sóc vườn mít Thái đang cho trái

Theo anh Mạnh, việc trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái ít mất đất nhưng hiệu quả kinh tế cao, tốn ít phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhẹ công chăm sóc hơn. Nhờ trồng nhiều loại cây nên anh Mạnh có được thu nhập vào nhiều thời điểm trong năm, mùa nào trái nấy. Hơn nữa, nếu bị mất mùa do bị ảnh hưởng của thời tiết hoặc mất giá của loại cây này, còn có loại cây trồng khác bù lại, không sợ mất trắng và thất thu. Đa dạng hóa cây trồng sẽ bổ trợ cho nhau, với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”, vừa thực hiện mục tiêu trước mắt, vừa thực hiện mục tiêu lâu dài trong phát triển kinh tế vườn của gia đình.

Chia sẻ kinh nghiệm làm vườn của gia đình, anh Mạnh cho biết thêm, trồng cây ăn trái không quá nặng nhọc nhưng phải đảm đương nhiều công việc, như: làm cỏ, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Để vườn cây đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng trái tốt, anh Mạnh đã ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã học tập từ cán bộ khuyến nông và các kênh thông tin đại chúng, qua kinh nghiệm những nông dân sản xuất giỏi đi trước.

Ngoài ra, anh Mạnh còn đầu tư hệ thống tưới phun tự động sử dụng pin năng lượng mặt trời nhằm giảm công tưới, tiết kiệm điện, nước, tăng hiệu quả chăm sóc vườn cây ăn trái. Đặc biệt, trong chăm bón vườn cây của mình, anh Mạnh chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần nâng cao giá trị sản phẩm khi bán ra thị trường.

“Sắp tới, tôi sẽ chuyển đổi toàn bộ phần đất đang trồng lúa còn lại của gia đình để lập vườn, trồng cây ăn trái, tôi chọn thanh nhãn làm cây trồng chủ lực. Vì đây là giống nhãn ngon, trái to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, ngọt thanh có giá cao và ổn định” - anh Mạnh thông tin.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Châu Huỳnh Hoàng Nhựt cho biết, mô hình vườn đa canh với nhiều loại cây ăn trái ứng dụng tưới phun bằng pin năng lượng mặt trời và sử dụng phân hữu cơ vi sinh của anh Lê Dũng Mạnh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Châu sẽ tiếp tục kiến nghị và phối hợp chính quyền địa phương, ngành chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật cho các hộ nông dân muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng như mô hình vườn đa canh của anh Mạnh, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, phát triển kinh tế địa phương.

TRỌNG TÍN