Phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay không lãi suất

07/10/2021 - 06:29

 - Thời gian qua, với nhiều cách làm linh hoạt, Xã đoàn Tân Lập (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã giới thiệu, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Số tiền vốn vay không nhiều, khoảng 5 triệu đồng, nhưng với hình thức vay không lãi suất, hoàn trả lại sau 1 năm đã giúp đỡ rất nhiều cho các bạn ĐVTN cải tạo chuồng trại, mua thêm con giống… cải thiện kinh tế hộ gia đình.

Hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế

Mới đây, Xã đoàn Tân Lập đã hỗ trợ cho chị Nguyễn Thị Thúy Vân (Bí thư Chi đoàn ấp Tân Thành) số tiền 5 triệu đồng để giúp gia đình phát triển thêm mô hình nuôi ốc bươu đen. Theo Bí thư Xã đoàn Tân Lập Phạm Ngọc Như, đây là mô hình mới và có tính tiên phong ở địa phương, nếu hiệu quả hoàn toàn có thể nhân rộng ra cho các ĐVTN khác cùng tham gia. Qua đó, sẽ góp phần không nhỏ trong đoàn kết, tập hợp thanh niên ở địa phương với nhau, mạnh dạn làm kinh tế, khởi nghiệp từ chính mảnh đất của quê nhà.

Trước đó, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh đã giải ngân, hỗ trợ vốn vay 30 triệu đồng cho mô hình nuôi bò vỗ béo của anh Trần Minh Cảnh (xã Tân Lập). Từ nguồn vốn vay được giải ngân, đã tạo điều kiện phát triển thêm về mô hình rất nhiều, ngoài đầu tư chuồng trại, anh Cảnh còn mua thêm bò về nuôi… từng bước phát triển. “Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của bạn Trần Minh Cảnh rất hay, thay vì mua bò nghé để phát triển thì bạn chọn bò cỡ trung về vỗ béo cho xuất chuồng, nên hiệu quả kinh tế tương đối cao.

Với cách làm như vậy, sẽ hạn chế được rủi ro hơn so với nuôi từ bò nghé vì rút ngắn được thời gian chăn nuôi, đầu tư nhiều nhưng lợi nhuận ổn định… Ngoài ra, bạn Cảnh còn tận dụng diện tích đất ven đường để trồng cỏ, ủ phân bò để chăn nuôi thêm gà. Đây là những mô hình khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên ở địa phương” - chị Như thông tin.

Sau khi tham khảo nhiều mô hình sản xuất, chị Nguyễn Thị Thúy Vân mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm một bồn ốc bươu đen ngay phía sau nhà. Theo chị Vân, hiện nay ốc bươu đen được thị trường ưa chuộng, cung vẫn không đủ cầu, giá thị trường từ 30.000-50.000 đồng/kg.

Thấy vậy, chị Vân thiết kế bồn được phủ bạt, phía trên có che vải để chống nắng. Trong bồn thả khoảng 5kg ốc con được mua từ trại ương ốc giống. Thức ăn hàng ngày là các loại lá cây, rau, củ, trái cây… để ốc vừa được cung cấp thức ăn, vừa tạo độ mát cho ốc phát triển. Vì đây là nguồn thức ăn hữu cơ, dễ phân hủy nên muốn giữ nguồn nước sạch, mỗi ngày chị Vân đều thay nước.

“Thời gian đầu theo dõi, ốc phát triển rất tốt, nhanh lớn. Lúc đó thấy rất ham, khi được hỗ trợ vay 5 triệu đồng, gia đình định đầu tư thêm con giống, bồn nuôi để phát triển thêm. Tuy nhiên, để ý lại thì thấy ốc chết từ từ mà mình không tìm hiểu được nguyên nhân, có lẽ một phần là do chưa có kinh nghiệm, thấy dễ nhưng tính ra không hề dễ” - chị Vân chia sẻ.

Ốc chết nhiều và không tìm được hướng khắc phục, chị Vân đành tạm ngừng mô hình và hỏi thăm những nông dân có kinh nghiệm. “Thất bại lần này của mình khi nuôi ốc là lúc bắt đầu chưa tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, làm bồn nuôi, thiếu kinh nghiệm nên không đạt hiệu quả như mong đợi. Bởi vậy, tạm dừng lại, tìm hiểu, học hỏi thật kỹ những nông dân đã phát triển mô hình nuôi ốc trong và ngoài địa phương, cũng như tham khảo thêm kiến thức trên mạng rồi sẽ phát triển mô hình tiềm năng này” - chị Vân nói.

Hiện nay, trong thời gian tạm ngừng mô hình nuôi ốc, chị Vân chuyển sang đầu tư nuôi cá lóc trong vèo lưới ở bờ sông trước nhà. Với số lượng nuôi trên 100 con cá lóc giống, chị Vân tận dụng các nguồn thức ăn phụ phẩm, như: đầu cá, ruột cá… từ những tiểu thương bán cá ở chợ. Cá ưa thích nên phát triển rất nhanh.

“Phần được nuôi dưới sông, nước ra, vô thường xuyên, giống như được thay mới hàng ngày nên vẫn đảm bảo môi trường nuôi sạch, có lẽ nhờ vậy mà cá phát triển tốt. Cả mô hình nuôi ốc bươu đen, nuôi cá lóc đều được nuôi thử nghiệm với diện tích và số lượng ít. Nếu mô hình nào phát huy hiệu quả sẽ đầu tư thêm phát triển nhiều hơn” - chị Vân chia sẻ.

Khó khăn không nản, thất bại ở đâu thì tìm cách đứng lên ngay chỗ đó là một trong những tính cách rất hay của những người trẻ khi tham gia khởi nghiệp, lập nghiệp.

Những câu chuyện khởi nghiệp thất bại là hiện thực mà các bạn trẻ trước khi đi trên con đường khởi nghiệp đều phải chuẩn bị tâm lý để chấp nhận và ứng phó. Thất bại sẽ là nền tảng, kinh nghiệm cho những khởi đầu mới vững vàng hơn, với những bước chuẩn bị về vốn, kiến thức và kinh nghiệm.

ÁNH NGUYÊN