Duy trì sản xuất
Được hình thành và phát triển cách đây khoảng 100 năm, Làng nghề đan đát Long Giang (xã Long Giang, huyện Chợ Mới) tập trung ở ấp Long Mỹ 2 và Long Phú. Làng nghề sản xuất các mặt hàng, như: Rổ, thúng, xề, nia… Giá sản phẩm dao động từ vài chục ngàn đồng đến hàng trăm ngàn đồng. Ngoài các sản phẩm phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, những năm gần đây, các hộ trong làng nghề còn phát triển thêm các sản phẩm có kích thước nhỏ, phục vụ nhu cầu trưng bày, trang trí… được đông đảo khách hàng ưa chuộng.
Mỗi sản phẩm khi làm ra phải trải qua nhiều công đoạn, qua đó cũng tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động ở những độ tuổi khác nhau. Tùy từng công đoạn, mỗi lao động có mức thu nhập từ 40.000-200.000 đồng/ngày. Ông Đinh Hùng Cường (Tổ trưởng Làng nghề đan đát Long Giang) cho biết, làng nghề hiện có hơn 80 hộ, với 350 lao động, con số này giảm khoảng 20% so trước đây. Trong làng nghề có sự phân chia các công đoạn cho nhiều người cùng làm nên sản phẩm làm ra rất nhanh. Hơn hết, việc phân chia lao động giúp tạo ra sản phẩm đồng đều, dễ tiêu thụ.
Ông Cường chia sẻ: “Làng nghề không còn hưng thịnh như trước, tuy nhiên, các hộ trong làng nghề vẫn sống được. Nếu như trước đây, các sản phẩm phục vụ sản xuất thì hiện nay chuyển dần sang phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Do đó, sản phẩm có “chỗ đứng” trên thị trường, người dân sống được với nghề truyền thống của địa phương”.
Các sản phẩm làng nghề phong phú, đang dạng, đạp ứng nhu cầu của khách hàng
Cũng giống nghề đan đát xã Long Giang, nghề rèn Phú Mỹ (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân) đến nay vẫn có sự phát triển nhất định. Ông Phạm Văn Nét (chủ cơ sở Sáu Nét, người cố cụ làng nghề) cho biết, làng nghề tồn tại khoảng 100 năm. Trước đây, do gắn liền với việc làm nông, hàng chục cơ sở phải “luôn tay” ngày đêm làm các loại nông cụ. Khoảng 15 năm trở lại đây, khi đồng ruộng được cơ giới hóa, nhu cầu sử dụng một số sản phẩm, như: Liềm, cuốc… giảm mạnh. Đó cũng là lúc làng nghề bước sang trang mới, tập trung sản xuất theo nhu cầu của khách hàng.
Đặc biệt hiện nay, máy móc đã thay dần cho việc sản xuất thủ công nên sản phẩm làm ra với số lượng cao, chất lượng vượt trội hơn. Trước đây, các mặt hàng của làng nghề rèn Phú Mỹ bán quanh khu vực ĐBSCL, giờ đã mở rộng đến thị trường miền Trung. Giá thành các sản phẩm bình dân, từ 10.000-30.000 đồng/dụng cụ, phổ biến là dao, kéo, búa… và một số nông cụ cần thiết cho đồng áng. Nghề rèn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bình quân mỗi lao động thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.
Đây là 2 trong nhiều làng nghề truyền thống đang tồn tại và phát triển, tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí “Làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”. Trong đó, có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống, với 3.706 hộ sản xuất - kinh doanh, 11.482 lao động có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 900.000 đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của các làng nghề hàng năm ước khoảng hơn 266 tỷ đồng.
Các cơ sở ngành nghề nông thôn đã tạo ra sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cùng với việc tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong tỉnh, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Bảo tồn và phát triển làng nghề
Mặc dù giải quyết nhiều việc làm cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, tuy nhiên, làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển còn chậm, mang tính tự phát ở quy mô nhỏ lẻ. Đa phần làng nghề còn sử dụng công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch chưa nhiều… Việc tiếp cận các nguồn vốn còn hạn chế, khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, nhất là khả năng thay thế thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại…
Để duy trì và phát triển làng nghề, UBND tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Kế hoạch tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Công nhận làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất; bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống…
Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, làng nghề, ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống. Đồng thời, phát triển thêm nghề mới phù hợp với từng địa phương để đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Quan tâm phát triển các làng nghề gắn với du lịch và bảo vệ môi trường…
ĐỨC TOÀN