Phát triển nghề mộc truyền thống ở Chợ Mới

20/06/2024 - 05:47

 - Nghề mộc vốn là nghề truyền thống ở huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang). Nhưng hiện nay trong sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, người dân nơi đây vẫn bền bỉ giữ gìn và sáng tạo để phát triển nghề, làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Huyện Chợ Mới có 5 làng nghề mộc lâu năm và nổi tiếng, gồm: Chợ Thủ (xã Long Điền A), xã Long Điền B, Long Giang, Tấn Mỹ và thị trấn Mỹ Luông. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, làng nghề mộc vẫn được lưu truyền qua các thế hệ và không ngừng phát triển. Đến nay, tổng số hộ sản xuất - kinh doanh ở 5 làng nghề mộc trên địa bàn huyện Chợ Mới là 1.693 hộ với 2.912 lao động.

Ngoài ra, còn rất nhiều lao động được các cơ sở ở làng nghề thuê làm thời vụ. Tùy theo tay nghề của người thợ, thu nhập của các lao động từ 3,6 - 11,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống, tạo thêm việc làm, ổn định đời sống của người dân nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Được (thị trấn Mỹ Luông) cho biết: “Tôi làm nghề mộc gần 30 năm, chủ yếu đóng tủ, bàn ghế. Trung bình mỗi ngày kiếm được khoảng 300.000 đồng, cuộc sống gia đình tương đối ổn định”. Sản phẩm gỗ ở các làng nghề mộc được các cơ sở sản xuất và tiêu thụ quanh năm.

Tùy vào yêu cầu của khách hàng hay sự sáng tạo của những người thợ mà cho ra các sản phẩm gỗ có giá trị nghệ thuật cao, như: Tủ, bàn ghế, giường, ban-công, cầu thang, bếp ăn… cho đến những sản phẩm chạm trổ, điêu khắc hoa văn tại các đình, chùa... Giá của từng loại sản phẩm từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng, tùy vào chất liệu gỗ cũng như độ tinh xảo, kích thước...

Thời gian gần đây, nhu cầu của người dân ngày càng ưa chuộng các sản phẩm làm từ gỗ, như: Giường, tủ, bàn, ghế, các sản phẩm trang trí nội thất; sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, nhiều cơ sở mộc trên địa bàn huyện Chợ Mới mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc nâng cao năng lực sản xuất. Sản phẩm gỗ thường xuyên được cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng.

Là khách hàng lâu năm của làng nghề mộc Chợ Thủ, ông Nguyễn Văn Sang (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Khi cần mua bất kỳ sản phẩm đồ gỗ nào cho gia đình, tôi đều đến Chợ Thủ để chọn mua hoặc đặt hàng. Tôi thấy mẫu mã các sản phẩm ở đây không chỉ phong phú, đa dạng mà giá cả rất phải chăng, đặc biệt chất lượng rất tốt”.

Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề của huyện Chợ Mới, những năm qua nhiều cơ sở mộc đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất, như: Máy cưa vòng, máy cưa bào liên hợp, máy tiện, máy chạm 3D…

Đồng thời, chú trọng nâng cao tay nghề người thợ cũng như không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ… đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng.

Anh Bùi Văn Tấn Tài (chủ cơ sở mộc ở xã Long Điền A)cho biết: “Cơ sở của tôi chuyên về hoạt động ngành gỗ, trang trí nội thất trong nhà. Khách hàng chủ yếu ở các địa phương ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… Thời gian qua, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ vốn để cơ sở đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị và mua gỗ, từ đó mẫu mã các sản phẩm ngày càng đa dạng hơn, chất lượng nâng cao, đẹp hơn, khách hàng mua nhiều hơn trước”.

Bên cạnh đó, các làng nghề mộc trên địa bàn huyện Chợ Mới chú trọng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm gỗ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm do huyện hỗ trợ tham gia, xây dựng hướng phát triển thị trường nhằm gia tăng giá trị sản xuất.

Hiện nay, ngoài thị trường truyền thống như các địa phương ở khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, các làng nghề mộc ở huyện Chợ Mới còn chủ động xuất khẩu sản phẩm đến một số thị trường tiềm năng như Lào và Campuchia.

Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương huyện Chợ Mới còn hướng dẫn tạo mã QR cho các cơ sở mộc trên địa bàn. Qua đó, để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin, đánh giá chất lượng sản phẩm, thông tin chi tiết về sản phẩm, quy trình sản xuất, giá cả cũng như tìm kiếm những sản phẩm chất lượng phù hợp.

Khi quét mã QR, khách hàng có thể dễ dàng biết nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất; phân biệt được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đồng thời, tạo dựng được niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm của cơ sở.

Anh Nguyễn Toàn Nhân (chủ cơ sở đồ gỗ ở thị trấn Mỹ Luông) chia sẻ: “Cơ sở của tôi chuyên kinh doanh các mặt hàng nội thất cao cấp của gỗ tự nhiên. Biết được nhu cầu khách hàng ngày càng cao, tôi mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư các loại máy mới để làm ra các sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, cải tiến mẫu mã đa dạng hơn. Gần đây, tôi đã tạo mã QR để khách hàng có thể dễ dàng tra cứu nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm đồ gỗ, tăng uy tín cho cơ sở”.

Để bảo tồn và phát triển các làng nghề mộc ở địa phương, huyện Chợ Mới đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để bảo tồn, đầu tư khuyến khích phát triển các làng nghề mộc. Trong đó, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm gỗ tổ chức lại sản xuất, tạo liên kết giữa các hộ trong làng nghề. Chú trọng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn về chính sách khuyến công; tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề.

Song song đó, tăng cường chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để cải tiến, tăng khả năng sáng tạo, nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người lao động...

Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các sản phẩm làng nghề mộc tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm thuộc các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ…

TRỌNG TÍN