Bản vẽ lõi sao Hỏa của một họa sỹ. Ảnh minh họa: NASA
Phương pháp này chỉ cần một máy đo địa chấn hoạt động bên trên bề mặt hành tinh, sử dụng công nghệ tương tự với quét siêu âm - sử dụng sóng âm để thu được hình ảnh của cơ thể bệnh nhân, để xác nhận hành tinh có lõi hay không. Máy đo địa chấn này sẽ đo các sóng địa chấn cụ thể được tạo ra bởi sự rung lắc của bề mặt hành tinh.
Nhà khoa học Hrvoje Tkalcic thuộc Viện nghiên cứu khoa học Trái Đất thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh đây là phương pháp mới sử dụng công cụ duy nhất để quét bên trong bất kỳ hành tinh nào, chưa từng được áp dụng trước đây. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên Sao Hỏa, xác định Hành tinh Đỏ có lõi đường kính khoảng 3.620 km.
Theo ông Sheng Wang, đồng tác giả, việc xác nhận sự tồn tại của lõi hành tinh có thể giúp các nhà khoa học hiểu được sự tiến hóa trong quá khứ và tương lai của hành tinh, trong đó có cả thời điểm từ trường của hành tinh hình thành và chấm dứt. Ông cho biết mô hình cho thấy lõi Sao Hỏa là chất lỏng, không chỉ chủ yếu là sắt và nickel, lõi còn có thể chứa một lượng nhỏ của các nguyên tố nhẹ hơn như hydro và sulphur. Các nguyên tố này có thể thay đổi khả năng truyền nhiệt của lõi.
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp này có thể giúp gia tăng hiểu biết các thiên thể khác, trong đó có Mặt Trăng.
Phương pháp này được trình bày chi tiết trong báo cáo của Đại học Quốc gia Australia.
Theo THÚC ANH (TTXVN)