Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

05/05/2020 - 05:13

 - Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), tỉnh An Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực. Phương thức sản xuất từng bước chuyển biến theo hướng tích cực, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, gắn với liên kết tiêu thụ, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhằm xác lập các vùng sản xuất trọng điểm ƯDCNC cho các đối tượng nông sản chủ lực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện sản xuất từng địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt 8 quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC cho 8 nhóm sản phẩm: lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu.

Đồng thời, phê duyệt các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm bắp lai, bò thịt, nấm, tôm càng xanh và hoa kiểng. Đến nay, công tác tổ chức phát triển sản xuất 8 nhóm sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC theo các quy hoạch và theo các gói hỗ trợ đạt nhiều kết quả nổi bật.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đến năm 2019, diện tích sản xuất lúa có áp dụng các kỹ thuật, công nghệ theo hướng nông nghiệp ƯDCNC đạt 69.897ha. Các giống chất lượng cao được sản xuất chủ yếu là: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM 6976, OM 5451, OM 9582...

Nhiều kỹ thuật áp dụng như: ứng dụng trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, máy cấy, máy phun hạ giống… giúp tăng năng suất lúa 0,2-0,3 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất 16-20%. Thu nhập của người trồng lúa theo hướng ƯDCNC tăng bình quân 20-25% so với biện pháp canh tác truyền thống.

Trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất theo “Cánh đồng lớn” liên kết với các doanh nghiệp (DN) thông qua hợp tác xã hoặc tổ hợp tác được thực hiện tốt nhiều năm qua như: Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Gentraco… và một số DN hợp đồng trực tiếp với nông dân như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty Angimex-Kitoku. Năm 2019, có 32 DN liên kết tiêu thụ thông qua 11 hợp tác xã nông nghiệp, 10 tổ hợp tác sản xuất và 29 DN.

Đã hình thành vùng bảo tồn gần 100ha lúa mùa nổi và bình quân 64ha/năm lúa Nàng Nhen Bảy Núi theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Tri Tôn; vùng sản xuất lúa Jasmine theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Châu Phú; vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản theo mô hình “Cánh đồng lớn” tại huyện Châu Thành; vùng sản xuất lúa gạo an toàn sinh học tại xã Vĩnh Lộc, Phú Hữu (An Phú) diện tích bình quân 400-600ha/năm, lợi nhuận tăng thêm từ 3-3,5 triệu đồng/ha...

Đối với thủy sản, đến cuối năm 2019 diện tích nuôi thủy sản thu hoạch trên toàn tỉnh đạt 3.473ha, với tổng sản lượng 538.000 tấn. Cá tra là sản phẩm chủ lực ở tỉnh đã phục hồi và tăng trưởng tốt với khoảng 1.243ha nuôi (diện tích nuôi, thu hoạch cả năm đạt 1.530ha), sản lượng đạt 425.000 tấn. Trong đó, sản lượng cá tra ƯDCNC đạt 75,73%.

Ngoài ra, còn có 16,7ha nuôi tôm càng xanh toàn đực, với tổng sản lượng đạt 20 tấn; 15ha nuôi cá lóc ứng dụng công nghệ vi sinh hạn chế thay nước, với sản lượng 210 tấn; 5ha nuôi lươn không bùn, sản lượng đạt 253,65 tấn. Hình thành và phát triển 13 chuỗi liên kết khép kín từ nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt; Công ty Agifish, Công ty Afiex...

Điểm sáng của An Giang là đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp vùng ĐBSCL, sản xuất và cung ứng khoảng 4,6 tỷ cá tra bột và khoảng 1,2 tỷ con cá tra giống; bổ sung thay thế dần đàn cá bố mẹ hiện có bằng đàn cá tra cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng, phi lê và kháng bệnh với số lượng khoảng 12.320 con.

Tỉnh đã mời gọi được 4 DN đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao: Tập đoàn Việt Úc (104ha); Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú (600ha); Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3ha); Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi (350ha). Đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá tra tập trung ƯDCNC tại huyện Châu Phú.

Năm 2019, chăn nuôi hướng nông nghiệp ƯDCNC đạt 74.083 con bò, heo, gia cầm. Đã phát triển 28 trại chăn nuôi bò cái sinh sản, bò thịt, chăn nuôi heo và gia cầm theo hướng ƯDCNC tại các huyện: Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, Tri Tôn, Thoại Sơn, Phú Tân và Tịnh Biên. Các mô hình nông nghiệp ƯDCNC thực hiện trong chăn nuôi như: gieo tinh nhân tạo cho gia súc, xây dựng các công trình khí sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích sản xuất rau màu hướng nông nghiệp ƯDCNC năm 2019 đạt 7.472ha trong tổng số 20.147ha rau màu toàn tỉnh. Nhiều mô hình tiêu biểu như: phát triển hệ thống thủy lợi và hệ thống tưới cho các vùng chuyên canh rau màu ƯDCNC: xã Bình Thủy (Châu Phú), Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), Tân Trung (Phú Tân), Vĩnh Mỹ (Châu Đốc), Kiến An (Chợ Mới), Bình Thạnh (Châu Thành) 6.900ha. Tỉnh đã xây dựng được 6 mô hình điểm tại các tổ hợp tác, tổ sản xuất rau màu an toàn. 4,47ha nhà lưới gieo ươm 20 triệu cây giống rau/năm tại huyện Chợ Mới, An Phú và TX. Tân Châu. Đã hình thành và phát triển được vùng chuyên canh rau màu tại huyện Chợ Mới diện tích 500ha...

Cây ăn trái được xác định là một trong nhóm sản phẩm tiềm năng của tỉnh. Từ năm 2012-2019, diện tích cây ăn trái tăng khoảng 7.238ha, chủ yếu là xoài, chuối cấy mô, nhãn và cây có múi khác. Phát triển được 6 vùng sản xuất xoài tập trung 8.164ha, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, như: vùng chuyên canh cây ăn trái tại huyện Chợ Mới 7.010ha (438/6.096ha trồng xoài được chứng nhận VietGAP), vùng trồng chuối 287ha (chuối cấy mô 191ha), vùng sản xuất xoài thơm Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu) định hướng 80-100ha. Tổng diện tích vùng xoài đã được cấp mã số (code) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là 972,105ha với 34 mã số.

HẠNH CHÂU