Phía sau một vụ án

19/07/2022 - 07:02

 - Khi video clip một thanh niên 27 tuổi bị đánh tàn nhẫn đến mức tử vong ngay giữa trung tâm TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) xuất hiện trên mạng xã hội, người xem bàng hoàng không hiểu vì sao hung thủ có thể ra tay tàn ác đến thế. Đến khi tìm bắt được hung thủ, xã hội lại thêm mối lo khác: Quản lý người tâm thần thế nào?

Hải và Dở tại phiên tòa sơ thẩm

“Chuyện 3 người”

Tối 12/12/2021, vụ án kinh hoàng xảy ra tại công viên Hai Bà Trưng (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên). Nạn nhân được xác định là anh M. (ngụ phường Mỹ Quý). Nguyên nhân tử vong là do chấn thương sọ não. Video cho thấy nạn nhân bị một đối tượng đánh bằng tay và dùng các khúc cây khác nhau cho đến khi không còn cử động. Sau đó, tài sản của anh M. cũng bị lấy đi.

Hình ảnh trong camera an ninh của ngân hàng và người dân cung cấp đủ căn cứ để lực lượng chức năng xác định Tạ Thanh Hải (sinh năm 1990) là đối tượng giết và cướp tài sản anh M. Ngoài ra, Trần Văn Dở (sinh năm 1989) là người có mặt tại hiện trường thời điểm trên, nhìn thấy toàn bộ hành vi của Hải. Dở không những không can ngăn, mà còn tranh thủ lấy 1,5 triệu đồng trong ví tiền của nạn nhân và bỏ đi, mặc kệ nạn nhân nằm đó.

Vụ án xảy ra vào thời điểm cả tỉnh đang tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau là khung giờ không được phép ra đường, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Vì sao nạn nhân lẫn 2 đối tượng gây án có mặt ở đường phố vào lúc 21-22 giờ; họ gặp nhau thế nào, ngồi cạnh trao đổi hoặc có tương tác gì với nhau, để rồi dẫn đến vụ án đáng tiếc như thế… chỉ có chính họ mới biết rõ. Anh M. đã mất, còn lời khai của Hải và Dở trùng khớp nhau, cho rằng không quen biết nạn nhân, lại bị nạn nhân cư xử chưa đúng mực.

Tuy nhiên, những lời khai này không làm thay đổi một điều rất rõ ràng là Hải phạm tội “giết người” và “cướp tài sản”, gây phẫn nộ rất lớn trong dư luận, để lại mất mát khôn nguôi cho gia đình nạn nhân. Vợ và đứa con thơ của anh M. đã vĩnh viễn xa lìa người trụ cột của mình, trải qua tháng ngày đau đớn, bàng hoàng nhất. Chính vì thế, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định tuyên phạt Hải mức án tù chung thân về tội giết người và 3 năm tù về tội danh còn lại. Dở bị 9 tháng tù theo tội danh “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Chuyện của bị cáo và xã hội

Cả 2 bị cáo quen biết nhau vài ngày trước khi xảy ra vụ án. Điểm chung duy nhất giữa họ là sống lang thang đường phố và mắc bệnh tâm thần. Theo giám định của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ tại TP. Cần Thơ, Hải bị rối loạn nhân cách, hành vi do sử dụng nhiều loại ma túy; Dở có bệnh lý “Chậm phát triển tâm thần nhẹ”. Theo kết luận này, cả 2 bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (nhưng vẫn có năng lực trách nhiệm hình sự).

Hải học hết lớp 1, có 2 tiền án về “trộm cắp tài sản”. Ở tù vài tháng, mãn hạn anh ta trở về địa phương. Hải kể, trước đây Hải sống cùng người thân, dù ở nhà trọ, nhưng vẫn được xem là có nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Về sau, người thân duy nhất này qua đời, Hải không làm ra tiền, bị đuổi khỏi nhà trọ, đành sống theo kiểu “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. Dở thì chưa hề được đi học, không biết chữ, không vợ con.

Khi bị truy tố, nghe Hội đồng xét xử thẩm vấn, cả 2 giữ nguyên sự ngờ nghệch trên gương mặt. Tuy nhiên, Hải phân bua rằng, bản thân không chấp nhận 2 tội danh bị truy tố, vì Hải hành hung bị hại chỉ vì… tự vệ. Khi nạn nhân nằm bất động, Hải vẫn đánh tiếp tục vì “tức giận không dừng lại được”. “Bị cáo không đồng ý với mức án chung thân. Nếu bị tuyên án chung thân, thì bị cáo xin phép được nhận mức tử hình luôn” - Hải nói lời sau cùng như thế.

Kẻ phạm tội bị pháp luật nghiêm trị, đó là điều hiển nhiên. Nhưng để hạn chế tối đa những vụ án tương tự, công tác phòng ngừa vẫn phải đặt lên hàng đầu. Từ chuyện của Hải và Dở, cơ quan điều tra kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp tuyên truyền, quản lý, giáo dục đối với các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy và tha tù về để có biện pháp phòng ngừa chung trong xã hội. Với đối tượng sống lang thang, cần phải có biện pháp quản lý phù hợp. Đừng để họ trở thành “quả bom nổ chậm”, không biết sẽ tấn công, gây án cộng đồng xã hội lúc nào.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần, như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại cơ sở y tế. Số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng, vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiểm soát hành vi, bởi công tác quản lý người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

 

KHÁNH HƯNG