Phiên họp trực tuyến đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

21/12/2021 - 05:53

 - Nhằm tăng cường sự phối hợp, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức phiên họp theo hình thức trực tuyến, Tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ký kết “Quy chế phối hợp tổ chức phiên họp trực tuyến xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. An Giang là địa phương đầu tiên áp dụng nội dung này.

Theo quy định, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. TAND cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thực hiện thẩm quyền của TAND trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật, TAND 2 cấp trong tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với VKSND cùng cấp và các ngành có liên quan giải quyết hồ sơ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Năm 2021, TAND 2 cấp tỉnh An Giang giải quyết 657 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, trong đó chủ yếu là áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Quang cảnh lễ ký kết giữa 3 đơn vị

Việc mở phiên họp giải quyết tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) hiện nay gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, điều kiện đi lại bất tiện, phát sinh nhiều chi phí. Ban lãnh đạo TAND tỉnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổ chức phiên họp trực tuyến. Đây được xem là biện pháp khả thi, tạo bước tiến trong hoạt động của các cơ quan khối nội chính, có sự phối hợp chặt chẽ của Sở LĐ-TB&XH, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.

Theo Chánh án TAND tỉnh An Giang La Hồng, quy chế được áp dụng để tổ chức các phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện; phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của TAND trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh trên địa bàn tỉnh.

“An Giang là địa phương đầu tiên thực hiện vấn đề này. Qua đó, chúng tôi mong muốn tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, phát huy tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị phối hợp, đảm bảo phiên họp được tổ chức trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật. Công tác chuẩn bị mở phiên họp phải kịp thời, chu đáo (trước, trong và sau khi diễn ra phiên họp); vận hành hệ thống truyền hình trực tuyến phải liên tục, thông suốt, chất lượng âm thanh, hình ảnh rõ ràng; bảo đảm cho người tiến hành phiên họp điều khiển phiên họp đúng trình tự, thủ tục. Người tham gia phiên họp thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Mọi diễn biến của phiên họp phải được ghi âm, ghi hình, làm cơ sở cho việc chứng minh quyền và nghĩa vụ của người bị đề nghị được bảo đảm theo quy định của pháp luật” - ông La Hồng thông tin.

Tham dự lễ ký kết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh An Giang Lê Hồng Quang biểu dương, khen ngợi 3 cơ quan đã có sáng kiến ký kết quy chế phối hợp này: “Việc xây dựng quy chế phối hợp là cần thiết, kịp thời, phù hợp với xu thế hiện nay về ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, tiến tới xây dựng tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đây là một trong những nội dung được đặt ra tại Kế hoạch công tác cải cách tư pháp năm 2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. Sau lễ ký kết, các cơ quan cần tiếp tục gắn bó, trao đổi chặt chẽ, đặc biệt là trước khi tổ chức phiên họp trực tuyến; đảm bảo thủ tục, hình thức, nội dung đúng luật định”.

Bài, ảnh: VẠN LỘC