Cảnh sát đặc nhiệm Philippines tham gia diễn tập chống khủng bố ở Manila. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố, Ủy ban chống tội phạm có tổ chức của Phủ Tổng thống Philippines (PAOCC) cho biết công dân một số nước châu Á nằm trong số những người được tìm thấy bên trong khu tổ hợp trong khuôn khổ chiến dịch tối 27/10. Bộ trưởng Tư pháp Crispin Remulla nói với các phóng viên rằng nhà chức trách đang thẩm vấn 598 người bị giam giữ để xác định ai là nạn nhân hoặc nghi phạm.
Đại sứ quán Trung Quốc đã được yêu cầu hỗ trợ nhằm xác định 9 người bị nghi ngờ điều hành doanh nghiệp, vốn được cấp phép là công ty trò chơi trực tuyến. Bộ trưởng Remulla nói: “Đó là một chiến dịch quy mô lớn… thu được lợi nhuận rất lớn từ hoạt động buôn người”.
Cuối tháng 6 vừa qua, cảnh sát Philippines đã tổ chức cuộc đột kích lớn, giải cứu trên 2.700 lao động từ 18 quốc gia, với nhiều người được cho là nạn nhân của các vụ buôn người. Số lượng nạn nhân buôn người được giải cứu khỏi 7 tòa nhà ở thành phố Las Pinas thuộc vùng đô thị Manila. Đây là cuộc đột kích lớn nhất từ đầu năm đến nay, làm dấy lên lo ngại Philippines đã trở thành cơ sở hoạt động chính của các tổ chức tội phạm mạng.
Tình trạng lừa đảo qua Internet đã trở thành một vấn đề lớn ở châu Á với các báo cáo về những người trong và ngoài khu vực, bị dụ dỗ làm việc ở các quốc gia khác với mức lương cao. Tuy nhiên nhiều người trong số này bị lạm dụng, ngược đãi và ép buộc phải tham gia dụ dỗ người chơi vào các trò lừa đảo qua mạng Internet, các trò chơi trực tuyến.
Hồi tháng 5 vừa qua, cảnh sát Philippines cũng đột kích vào một cơ sở tội phạm mạng khác ở thành phố Mabalacat phía bắc Manila, giải cứu khoảng 1.400 lao động, bị ép thực hiện các vụ lừa đảo tiền điện tử.
Theo THANH BÌNH (TTXVN)