Philippines tìm đến Ấn Độ, Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung vắcxin

01/02/2021 - 09:50

Ngoài Ấn Độ, theo Bộ trưởng ngoại giao Philippines, Việt Nam được đánh giá cao vì đã quản lý tốt các đợt lây nhiễm đầu tiên và tự phát triển vắcxin trong vòng vài tháng sau khi đại dịch xảy ra.


Tiêm mũi vắcxinđầu tiên ngừa COVID-19 Nano Covax nhóm liều 50mcg cho tình nguyện viên nữ tại Việt Nam. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết chính quyền Manila sẽ tìm đến các quốc gia châu Á để học hỏi cách thức giúp tiêm chủng ngừa COVID-19 cho hàng triệu người dân, trong bối cảnh các nước phương Tây đang gặp nhiều vấn đề về chương trình vắcxin.

Trên trang mạng Twitter, Bộ trưởng Teodoro Locsin cho biết sẽ học hỏi những quốc gia như Ấn Độ chứ không phải các nước phương Tây.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có năng lực sản xuất thuốc lớn nhất thế giới và Viện Huyết thanh của nước này được Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển cấp phép sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 "Covishield."

Không giống như các quốc gia phương Tây, Ấn Độ không thiếu vắcxin tiêm phòng và thậm chí đã bắt đầu xuất khẩu vắcxin.

Theo Bộ trưởng ngoại giao Philippines, một quốc gia có tiềm năng khác là Việt Nam, được đánh giá cao vì đã quản lý tốt các đợt lây nhiễm đầu tiên và tự phát triển vắcxin trong vòng vài tháng sau khi đại dịch xảy ra.

Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN của Việt Nam đã sản xuất vắcxin Nano Covax ngừa COVID-19 đầu tiên và đã thử nghiệm trên người với đánh giá ban đầu là có hiệu quả.

AstraZeneca tăng nguồn cung vắcxin cho EU

Liên quan đến vắcxin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen ngày 31/1 thông báo hãng dược phẩm AstraZeneca sẽ chuyển giao thêm 9 triệu liều vắcxin COVID-19 trong quý 1 năm nay, nâng tổng số vắcxin cung cho EU trong giai đoạn này lên 40 triệu liều.

Trên trang Twitter cá nhân, bà von der Leyen cho biết thêm quá trình chuyển giao sẽ bắt đầu sớm hơn 1 tuần so với dự kiến. Trước đó cùng ngày, bà cũng đã có cuộc họp trực tuyến với CEO các hãng dược bào chế vắcxin, cảnh báo về nguy cơ của các biến thể mới xuất hiện và vì thế điều cốt yếu là cần có sự chuẩn bị cho việc xuất hiện những biến thể mới như vậy.

Tuần trước, AstraZeneca đã đề xuất đẩy sớm quá trình chuyển giao vắcxin cũng như bổ sung 8 triệu liều cho EU nhằm giải quyết tranh chấp với liên minh này. Tuy nhiên, giới chức EU cho rằng số lượng như vậy là quá thấp so với cam kết ban đầu của hãng này là ít nhất 80 triệu liều trong quý đầu năm nay.

Hồi đầu tháng Giêng, AstraZeneca đã bất ngờ thông báo sẽ giảm nguồn cung vắcxin cho EU do vấn đề trong khâu sản.

Dubai lập liên minh phân phối vắcxin

Trung tâm vận tải quan trọng Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 31/1 đã công bố sáng kiến giúp đẩy nhanh quá trình vận chuyển vắcxin COVID-19, đặc biệt tới các nước đang phát triển.

Thông báo của Văn phòng Truyền thông Dubai cho hay sáng kiến có tên gọi Liên minh logistics vắcxin, với sự tham gia của hãng hàng không Emirates và công ty logistics toàn cầu DP World.

Mục tiêu của sáng kiến nhằm tăng tốc quá trình phân phối vắcxin trên toàn thế giới cũng như hỗ trợ cơ chế COVAX, có mục tiêu phân phối công bằng 2 tỷ liều vắcxin, của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sáng kiến sẽ phối hợp với các hãng dược, các đầu mối trung gian và chính phủ các nước để tiến hành bảo quản, vận chuyển và phân phối vắcxin tới bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng 48 giờ. Dù không cho biết số lượng cụ thể sẽ chuyển giao, song tuyên bố cho biết quá trình phân phối sẽ tập trung ở các thị trường mới nổi, những nơi người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch cũng như gặp thách thức lớn trong vấn đề logistics và vận tải.

Cùng ngày, Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề đối ngoại của UAE Anwar Gargash nhấn mạnh các nước cần hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức hiện nay liên quan tới đại dịch, khẳng định chủ nghĩa dân tộc vắcxin không có chỗ đứng trong cuộc chiến chung chống COVID-19./.

TheoTTXVN/Vietnam+