Phim Việt trước khoảng trống vấn đề và kịch bàn

21/08/2022 - 08:23

Hàng loạt tựa phim truyền hình-điện ảnh đình đám ra mắt khán giả gần đây đều sở hữu một số điểm chung, đó là phim làm lại (remake) từ tác phẩm gốc đã từng gặt hái thành công và đạt được doanh thu phòng vé khả quan khi ra rạp. Bởi thế, chỉ sau thời gian ngắn, từ thứ gia vị mới lạ cho món ăn thêm đậm đà hương vị, phim remake đã trở thành hướng đi được số đông nhà sản xuất lựa chọn.

Thế nhưng, Việt hóa kịch bản phim ngoại-từ giải pháp tình thế trở thành cách thức giúp hâm nóng tình yêu phim ảnh cho người xem vào thời điểm sức hút của phim nội dần suy giảm, công chúng có thể sẽ phải đặt ra câu hỏi, "phải chăng đội ngũ biên kịch nước nhà đang thiếu ý tưởng nên chọn cách mô phỏng thụ động này?".

"Việt hóa" kịch bản ngoại-Lựa chọn an toàn

Với lợi thế đã từng thu được thành công tại nước sở tại, bản phim gốc luôn dễ dàng mang lại sự tự tin cho ê-kíp "Việt hóa". Sự tương đồng về văn hóa của các sản phẩm gốc (phần lớn đến từ các nước láng giềng châu Á) cũng khiến người nhận trách nhiệm Việt hóa dễ bề chế biến để có được món ăn tinh thần hợp khẩu vị số đông.

Thêm vào đó, theo tiết lộ của một nhà sản xuất phim uy tín, nếu một kịch bản phim điện ảnh trong nước có giá trung bình 200-300 triệu đồng (riêng những biên kịch uy tín có thể nhận 300-400 triệu đồng, cá biệt có kịch bản chất lượng cao được trả tới 500-600 triệu đồng) thì bản quyền một kịch bản phim nước ngoài chỉ có giá dao động trên dưới 100 triệu đồng. Phần chi phí phát sinh cho biên kịch trong nước "Việt hóa" cũng không tốn kém quá nhiều.

Với phim truyền hình, tuy chi phí mua bản quyền kịch bản nước ngoài cao hơn (trung bình từ một đến 5.000USD/tập so với 10-15 triệu đồng/tập cho kịch bản trong nước) nhưng nhà đài vẫn ưu tiên đầu tư cho hình thức này vì xác suất an toàn cùng khả năng thu hồi vốn, có lãi thường khá cao. Tỷ suất người xem (ratings) luôn tỷ lệ thuận với mức phí mà các thương hiệu sẵn sàng bỏ ra cho một TVC quảng cáo xen giữa. Và chuỗi than phiền "liên tu bất tận" về thời lượng quảng cáo khá dài xuất hiện trong mỗi tập phim Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Thương ngày nắng về cho thấy sự mạnh tay đầu tư này của nhà đài là hoàn toàn có cơ sở. Và những kỷ lục doanh thu, như Em là bà nội của anh trở thành phim thứ hai trong lịch sử điện ảnh nước nhà vượt mức 100 tỷ đồng hay Tiệc trăng máu mang lại 175 tỷ đồng tiền bán vé là cú huých khiến các nhà sản xuất dễ dàng gọi vốn, cho những dự án "Việt hóa" kế tiếp.

Không phải ngẫu nhiên mà ít năm trở lại đây, Cánh diều-giải thưởng hằng năm của Hội Ðiện ảnh Việt Nam chọn cách "nói không" với những tác phẩm dự thi có cốt truyện được "Việt hóa" từ kịch bản ăn khách nước ngoài nhằm hướng tới một luật chơi công bằng cho những bộ phim thuần Việt-vốn ngày càng bộc lộ sự yếu thế ngay trên chính sân nhà. Liên hoan phim Việt Nam, tuy quy định nếu qua được vòng tuyển chọn, phim remake vẫn có cơ hội giành được giải Bông sen cho các hạng mục nhưng phải chừa lại giải cá nhân cho biên kịch và cho phim.

Với các nhà biên kịch trẻ, góp mặt trong một dự án "Việt hóa" là cách giúp họ nhanh chóng học hỏi được những kinh nghiệm quý giá từ những đồng nghiệp chuyên nghiệp, giỏi nghề đi trước, theo cách thức "học đi đôi với hành" không thể hiệu quả hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, việc phải tôn trọng bản gốc dẫn đến hạn chế sự thay đổi đường dây kịch bản nên biên độ sáng tạo của ê-kíp làm phim bị thu hẹp khá nhiều. Thêm vào đó, phải vượt qua cái bóng quá lớn của phim gốc cũng là một thách thức không nhỏ với phiên bản Việt. Cho dù "làm lại" nhưng tác phẩm Việt hóa vẫn phải ghi dấu ấn sáng tạo riêng biệt, với tư cách một bộ phim độc lập chứ không thể đơn thuần dừng lại ở việc sao chép cứng nhắc, máy móc.

Đừng để bị lép vế trên sân nhà

Sự bùng phát của dòng phim "làm lại" thời gian gần đây cũng cho thấy những bất cập, khiếm khuyết của đội ngũ biên kịch trong nước. Thành công của một số phim remake gần đây chủ yếu nhờ vào kịch bản gốc quá hay, câu chuyện cuốn hút, nhân vật được khắc họa rõ nét, tình huống logic và thú vị. Ðó cũng chính là điểm yếu khó bề khắc phục của các kịch bản Việt.

Ðạo diễn Phan Gia Nhật Linh thẳng thắn cho biết, "tôi chẳng có lý do gì để từ chối câu chuyện vừa hài hước, có tính giải trí lại vừa cảm động, sâu sắc và có giá trị nhân văn như Em là bà nội của anh. Vậy thì tại sao phải chạy theo kịch bản của tác giả trong nước, phần lớn là nghèo nàn ý tưởng?".

Ðạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người từng thành công với một số dự án phim Việt hóa như Những nụ hôn rực rỡ, Tiệc trăng máu từng chia sẻ với báo giới, rằng phim làm lại chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện thiếu kịch bản hay, là sự bù đắp cần thiết cho thị trường phim ảnh đang phát triển nhanh, tuy được đầu tư hào phóng về tài chính nhưng lại rất thiếu nguồn nhân lực tài năng. Tuy nhiên, cũng chính anh đã cảnh báo từ năm 2020, khi chỉ ra hệ quả lâu dài của nền điện ảnh quá chuộng việc Việt hóa kịch bản ngoại, đó là người làm phim sẽ dễ bỏ quên những vấn đề liên quan đời sống, văn hóa của chính xã hội mình.

Việt hóa kịch bản ngoại-dù đang là xu thế được các nhà làm phim trong nước lựa chọn nhưng chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính bền vững, lâu dài. Muốn phát triển theo hướng chuyên nghiệp, phim Việt phải khởi đầu từ những câu chuyện Việt, kịch bản do người Việt chấp bút. Nhìn từ góc độ tích cực, trào lưu phim remake sẽ trở thành động lực kích thích, thúc đẩy các nhà biên kịch trong nước phải nhanh chóng thay đổi, để thoát cảnh "lép vế" trên chính sân nhà. Từ việc cho ra đời những kịch bản hay, thu hút được các nhà đầu tư đến nỗ lực cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất phim sẽ giúp thị trường điện ảnh dần vươn tới ngưỡng chuyên nghiệp. Ðó cũng là điều khán giả trong nước luôn mong mỏi.

Theo Báo Nhân Dân