Đoàn công tác của tỉnh đã khảo sát thực tế công tác phòng, chống dịch tại Trường Mầm non An Phú, Trạm Y tế xã Phước Hưng..., nhằm đánh giá tình hình triển khai thực tế và củng cố công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong những ngày đầu năm học mới, cũng như việc thu dung điều trị bệnh SXH, TCM...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các cấp, ngành, địa phương ở huyện An Phú không được chủ quan, sẵn sàng ứng phó không để dịch bùng phát kéo dài, gây tử vong và không để “dịch chồng dịch”. Tiếp tục thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống dịch (SXH, TCM, đau mắt đỏ...).
Đặc biệt, Sở Y tế tỉnh tăng cường phối hợp công tác truyền thông, trong đó cần bám sát tình hình, sẵn sàng phương án ứng phó các tình huống xảy ra, để xử lý triệt để các ổ dịch, không để lan rộng. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở y tế làm tốt việc chẩn đoán, điều trị, phân luồng, chuyển tuyến..., nhất là đảm bảo cơ số thuốc, hóa chất phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất số ca tử vong; thông tin, báo cáo hàng tuần cho Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh của tỉnh để điều hành kịp thời...
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường truyền thông phòng, chống dịch trong trường học cho học sinh và phụ huynh phối hợp thực hiện; cùng ngành y tế tập huấn công tác phòng, chống dịch, nhất là trường tư thục, bán trú... Giám sát, chỉ đạo các trường đảm bảo khử khuẩn (khuôn viên, đồ dùng dạy học, đồ chơi của trẻ...), vệ sinh, rửa tay, nước sạch...
Theo đó, đồng chí Lê Văn Phước cũng khuyến cáo các địa phương trong tỉnh phải chủ động, nêu cao ý thức phòng, chống dịch, tăng cường các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn, diệt lăng quăng… không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Huy động Nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch SXH, TCM trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch…
Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang khuyến cáo công tác phòng, chống dịch
Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh TCM và SXH trên địa bàn huyện An Phú giảm so cùng kỳ năm 2022, nhưng còn diễn biến phức tạp. Đối với SXH, toàn huyện ghi nhận 242 ca mắc, giảm 797 ca (242/1.039 ca), giảm 4,3 lần so cùng kỳ năm 2022, không có ca tử vong; có 87 ổ dịch, giảm 277 ổ dịch (87/364 ổ dịch), giảm 4,17 lần so cùng kỳ năm 2022. Xã có số ca SXH cao, gồm: Khánh An (75 ca), Phước Hưng (28 ca), thị trấn Long Bình (25 ca).
Đối với bệnh TCM, huyện ghi nhận 115 ca, giảm 29 ca (115/144 ca) so cùng kỳ năm 2022, có 1 ca tử vong, ở xã Vĩnh Hậu (điều trị tại Bệnh viên Nhi đồng); ghi nhận 13 ổ dịch, giảm 11 ổ dịch so cùng kỳ năm 2022. Địa bàn có ca mắc TCM cao, như: Thị trấn Đa Phước (22 ca), thị trấn An phú (13 ca), xã Vĩnh Hậu (10 ca)…
Huyện đã và đang tập trung thực hiện tất cả các biện pháp, mô hình phòng, chống dịch bệnh, diệt lăng quăng; xử lý tất cả 13/13 ổ dịch TCM, 87/87 ổ dịch SXH; tổ chức 7 đợt chiến dịch diệt lăng quăng trong toàn huyện. Vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi 87 ổ dịch nhỏ; phun diện rộng ở ấp An Khánh, xã Khánh An…
Tin, ảnh: HỮU HUYNH