Phối hợp ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản

13/07/2022 - 07:16

 - Theo quy định, sau khi ban hành quyết định kê biên, áp dụng biện pháp bảo đảm, chấp hành viên gửi cho UBND cấp xã và Văn phòng đăng ký đất đai để đảm bảo việc ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đương sự chuyển nhượng tài sản, nhận xong tiền, hồ sơ chuyển nhượng được nộp tại bộ phận "một cửa" mới được phát hiện. Về cơ bản, họ đã ký hợp đồng chuyển nhượng xong và được công chứng. Sau đó, khi cơ quan thi hành án xử lý tài sản sẽ phát sinh tranh chấp, làm cho việc thi hành án kéo dài, có trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt.

Để khắc phục tình trạng trên, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, ngày 16/3/2017, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh ký kết quy chế phối hợp về việc cung cấp thông tin ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc dân sự trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là quy chế). Nhiệm vụ phối hợp của từng ngành được lồng ghép vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, từng giai đoạn.

Sau gần 5 năm thực hiện quy chế, Sở Tư pháp tiếp nhận văn bản từ các cơ quan phối hợp và cung cấp 708 văn bản ngăn chặn cho cơ quan, tổ chức có chức năng chứng nhận hợp đồng (Sở Tài nguyên và Môi trường tuy chưa ký quy chế phối hợp, nhưng đã cung cấp 414 văn bản), giao dịch (trong đó, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh 7 văn bản; Tòa án nhân dân quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) 4 văn bản; Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai 3 văn bản). Riêng trong tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh cung cấp 11 văn bản; hàng trăm văn bản từ Chi cục Thi hành án dân sự, Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện; UBND cấp xã 27 văn bản…

Các đơn vị ký kết quy chế phối hợp liên ngành

Lãnh đạo các ngành đều quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt quy chế. Trong đó, Cục Thi hành án dân sự gửi các quyết định kê biên, giải tỏa, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời… để cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp, giúp việc ngăn chặn tẩu tán tài sản của đương sự trong giai đoạn tố tụng và giai đoạn thi hành án dân sự kịp thời, đảm bảo quy định khi xử lý.

Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp đã kiểm sát 100% quyết định về thi hành án; các loại án chưa có điều kiện thi hành mỗi năm bình quân đạt 11% trên tổng số án chưa có điều kiện thi hành; ban hành 5 kháng nghị, 87 kiến nghị; 26 yêu cầu tự kiểm tra, cung cấp hồ sơ, tài liệu trong công tác thi hành án dân sự để đảm bảo việc thi hành án kịp thời bản án, quyết định của tòa án.

Tòa án nhân dân 2 cấp, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Hội Công chứng viên tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang...) phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu. Từ đó, việc xây dựng và thực hiện quy chế là điểm tăng cường trong công tác phối hợp cung cấp thông tin ngăn chặn đường sự tẩu tán tài sản giữa các ngành, nhất là ngăn chặn tại thời điểm công chứng hợp đồng chuyển nhượng tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Để công tác phối hợp liên ngành tiếp tục phát huy hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Khánh Dân cho biết, liên ngành thống nhất định hướng phối hợp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của lãnh đạo các cơ quan liên ngành cấp tỉnh. Lãnh đạo các cơ quan phải tăng cường hơn việc phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi cơ quan và quy định của pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả về cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có liên quan ở tỉnh và trao đổi, cung cấp thông tin 2 chiều giữa tỉnh và huyện.

Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan tiếp nhận với cơ quan liên quan khác. Bổ sung thêm các hình thức trao đổi thông tin; cải thiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin ngăn chặn; hiệu chỉnh phần mềm cơ sở dữ liệu hợp đồng giao dịch công chứng về nhà đất và cơ sở dữ liệu tài sản ngăn chặn rộng khắp đến các cơ quan có chức năng ban hành các thông tin ngăn chặn; UBND địa phương. Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối, tăng cường trách nhiệm, chủ động nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện quy chế, chủ trì tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy chế (sửa đổi, bổ sung nội dung; bổ sung cơ quan phối hợp...) khi được sự thống nhất của cơ quan có liên quan.

NGUYỄN HƯNG