Phòng bệnh đậu mùa khỉ

23/09/2024 - 07:00

 - Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Virus có thể lây truyền từ động vật hoang dã bị nhiễm bệnh, như: Chuột, sóc, các loài linh trưởng hoặc động vật gặm nhấm khác sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, vết cắn hoặc vết trầy xước từ động vật bị nhiễm bệnh hay ăn thịt chúng chưa được nấu chín. Bệnh có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp, với tổn thương da, dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm, qua quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con.

Ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận vào tháng 9/2022, với yếu tố dịch tễ nước ngoài, bệnh nhân đã được cách ly y tế, quản lý tốt ca bệnh và sau đó khỏi bệnh, không di chứng. Virus đã mắc thuộc chủng của Tây Phi, tương đối nhẹ hơn, với tỷ lệ tử vong thấp hơn so với chủng Trung Phi. Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 3 - 6% trên số người mắc bệnh, đặc biệt trẻ em mắc bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa, nhưng ít lây nhiễm và ít nghiêm trọng hơn. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Bệnh đậu mùa khỉ có diễn tiến qua 4 giai đoạn:

+ Thời gian ủ bệnh (từ 6 - 13 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm; 

+ Giai đoạn khởi phát (từ 1 - 5 ngày), với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch nông, kèm theo đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus bắt đầu có thể lây cho người khác;

+ Giai đoạn toàn phát (sau sốt từ 1 - 3 ngày), đặc trưng bởi sự phát ban, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, ít gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục. Ban tiến triển qua nhiều hình thái, như: Sẩn, mụn rộp, mụn mủ, vảy… kéo dài khoảng 2 - 4 tuần;

+ Giai đoạn hồi phục, các triệu chứng thường sẽ tự khỏi trong vòng 14 - 21 ngày, tuy nhiên sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Do là bệnh tự diễn tiến nên đậu mùa khỉ được điều trị giảm nhẹ triệu chứng là chủ yếu, bên cạnh đó cũng cần theo dõi, điều trị các biến chứng có thể gặp, như: Nhiễm khuẩn thứ phát ở tổn thương da, mất nước nghiêm trọng do nôn mửa và tiêu chảy, viêm phế quản phổi, viêm não, nhiễm trùng giác mạc…, nhằm ngăn ngừa di chứng lâu dài. Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải, hỗ trợ tâm lý. Có thể sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch...) theo khuyến cáo.

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả, cần thực hiện sàng lọc người nhiễm/nghi ngờ nhiễm, kiểm tra các yếu tố dịch tễ (tiếp xúc với động vật, người nghi ngờ hoặc xác định nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với đồ dùng/vật dụng của họ) khi có các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ. Thực hiện cách ly người bệnh xác định nhiễm hoặc ca bệnh nghi ngờ. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc, như: Găng tay, áo choàng chống dịch, khẩu trang y tế chuyên dụng, tấm che mặt. Tuân thủ 5 thời điểm vệ sinh tay, làm đúng và đủ các bước vệ sinh tay. Ngoài ra, việc tăng cường khử khuẩn môi trường, vệ sinh môi trường bề mặt, vật dụng xung quanh người bệnh thường xuyên cũng có tác dụng ngăn ngừa tác nhân gây bệnh.

Giảm nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người sẽ giúp phòng ngừa phơi nhiễm. Khi đi du lịch đến những khu vực lưu hành virus đậu mùa khỉ nên tránh tiếp xúc với loài gặm nhấm, linh trưởng và động vật bị bệnh hoặc chết. Cần nấu chín kỹ các loại thực phẩm trước khi tiêu thụ, giữ vệ sinh tay tốt để giảm nguy cơ lây truyền giữa các cá nhân. Đeo khẩu trang ở những khu vực tiếp xúc gần với người dân để ngăn ngừa lây nhiễm. Không quan hệ tình dục với người lạ hoặc có nhiều bạn tình. Khi trở về từ vùng lưu hành dịch và có các triệu chứng nghi ngờ, nhập cảnh hãy chủ động thông báo cho nhân viên hàng không và nhân viên kiểm dịch tại sân bay và cảng, liên hệ đơn vị y tế càng sớm càng tốt.

HIỀN THỤC (Trung tâm Y tế TX. Tân Châu)