Phòng cháy là gốc của sự bình yên

08/11/2023 - 06:14

 - Mỗi đợt diễn tập, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) đều rất mất thời gian, công sức và chi phí. Tuy nhiên, cân đong đo đếm lại, vẫn chỉ là con số rất nhỏ so với khi sự cố cháy, nổ thật sự diễn ra. Càng luyện tập, xử trí tình huống giả định nhiều bao nhiêu thì khả năng chữa cháy, CNCH càng thuần thục bấy nhiêu.

Thực tập phương án chữa cháy tại chung cư

Chung cư Bắc Hà Hoàng Hổ (TP. Long Xuyên) được bố trí trên 8.200m2, gồm 9 tầng, với 450 hộ dân sinh sống (khoảng 1.200 người). Mối nguy cháy, nổ ở chung cư do bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chập điện… luôn hiện hữu. Chính vì thế, Đội Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và CNCH cơ sở được thành lập, gồm 10 thành viên, được tập huấn nghiệp vụ PCCC và tham gia thực tập phương án chữa cháy định kỳ.

Vừa qua, Ban Quản lý chung cư phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh thực tập phương án chữa cháy tại chung cư. Sau nhiều ngày chuẩn bị, buổi sáng thực hành chữa cháy tương đối thành công, khi tình huống chữa cháy và CNCH được giả định trong phương án phù hợp với tình hình thực tế của chung cư. Quá trình triển khai lực lượng, phương tiện của các lực lượng hợp lý, linh hoạt, nhịp nhàng, đảm bảo yêu cầu về chiến, kỹ thuật đã được thống nhất. Ông La Phương Bắc (Trưởng ban Quản lý chung cư, Đội trưởng Đội PCCC và CNCH cơ sở) chia sẻ: “Sau đợt diễn tập, chúng tôi hiểu rõ hơn tính chủ động, nâng cao hiệu quả chữa cháy và CNCH khi có tình huống cháy, nổ xảy ra tại chung cư, góp phần làm giảm thiệt hại về người và tài sản. Nguyên tắc PCCC, phương châm “4 tại chỗ” cũng được nắm rõ, thực hiện tốt hơn”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh tổ chức thực tập 145 phương án chữa cháy, 124 phương án CNCH. Cùng với đó, thành lập hơn 900 đội dân phòng (7.400 đội viên) tại cấp xã, khu dân cư; 7.378 đội PCCC cơ sở (12.797 thành viên); mở 41 lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC cho các đội này. Ngoài ra, 804 “Tổ liên gia an toàn PCCC” được nhân rộng, theo phương thức tự trang bị chuông báo cháy, phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH tại hộ gia đình, khu dân cư.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 3/1/2023, các bộ, ngành, UBND địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, đạt được một số kết quả nhất định. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức và người dân đối với công tác này. Dù vậy, theo Bộ Công an, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do một số quy định của pháp luật về PCCC chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Cơ sở hạ tầng được xây dựng lâu năm, nhiều công trình cũ, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, nhưng không thể khắc phục được ngay. Hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, CNCH, kỹ năng ứng phó sự cố, thoát hiểm... còn hạn chế. Việc thực tập, diễn tập phương án PCCC, CNCH chưa nhiều, chưa đi vào thực chất, sát tình hình thực tế.

Đặc biệt, một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCCC; chưa chủ động bổ sung các giải pháp bảo đảm an toàn cháy nổ, trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm cần thiết; còn chủ quan, lơ là trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; thiếu kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ.

Tại An Giang, giao thông phục vụ chữa cháy đang là trở ngại lớn. Qua khảo sát, 51% đường giao thông đô thị, giao thông nông thôn, giao thông liên khu vực… không đảm bảo chiều rộng tối thiểu (3,5m), chiều cao tối thiểu (4,5m) cho xe chữa cháy, xe thang hoạt động. Hơn 44% ngã ba, ngã tư, góc cua; 60% cầu không đảm bảo cho các loại xe chuyên dụng hoạt động. Gần 80% đường giao thông nội ô, nội khu không có bãi đậu xe cho xe chữa cháy triển khai. Hơn 22% cơ sở, khu dân cư có cổng vào bị đóng cọc, rào chắn, nằm trong hẻm nhỏ, sâu từ 200m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận…

Dự báo thời gian tới, tình hình cháy nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà để ở vừa kết hợp sản xuất - kinh doanh dịch vụ; chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở tập trung đông người. Các vụ cháy thương tâm, nghiêm trọng cho thấy mấu chốt nằm ở kỹ năng thoát hiểm của người dân khi xảy ra sự cố.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: “Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng của người dân, doanh nghiệp trong PCCC và CNCH để bảo vệ cho chính mình, bảo vệ cộng đồng. Cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu trong thực hiện quy định về PCCC. Cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, xem đây là nhiệm vụ chính, phải thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác chuẩn bị phải chu đáo, bài bản. Hoạt động chữa cháy, CNCH phải chuyên nghiệp, hiện đại, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn phải được nâng cao”.

Toàn quốc hiện có 3.732 nhà chung cư; 192.860 nhà trọ; 1.585 nhà ở nhiều căn hộ và 99.707 nhà ở kết hợp kinh doanh chất hàng nguy hiểm cháy, nổ. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy, làm 134 người chết, 101 người bị thương, thiệt hại gần 230 tỷ đồng và 207ha rừng. Trong đó, xảy ra 50 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 2 vụ cháy, làm chết 1 người; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 740 triệu đồng. So cùng kỳ, giảm 2 vụ, giảm 1 người chết, giảm gần 9 tỷ đồng thiệt hại.

GIA KHÁNH