Rừng ngả màu
Những cánh rừng, đồi núi thuộc TX. Tịnh Biên và huyện Tri Tôn đang bị nhuộm gam màu bàng bạc bởi sức nóng như lửa đốt. Dưới tán rừng là lớp thực bì dày cộm, tiềm ẩn nguy cơ bốc hỏa bất cứ lúc nào. Những ngày qua, ngành kiểm lâm tất bật tập huấn phòng, chống cháy rừng, kiểm tra rừng, nâng mức báo động cháy rừng lên cấp cực kỳ nguy hiểm. Đồng thời, đề ra hàng loạt phương án, bố lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24 giờ tại khu rừng nguy cơ trọng điểm cháy.
Buổi trưa chang chang nắng, chúng tôi có mặt dưới chân núi Dài (huyện Tri Tôn), đúng lúc ngành kiểm lâm, quân đội, công an, dân quân, phụ nữ, đoàn thanh niên… đang tập huấn, giả định xảy ra vụ cháy rừng, cần dập lửa kịp thời. “Phải chủ động trước mọi tình huống cấp bách. Khi xảy ra cháy, các thành viên sẽ có mặt dập lửa ngay, hạn chế thiệt hại thấp nhất” - Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang Huỳnh Hữu Thiện thông tin.
Lực lượng tuần tra rừng trên núi Dài lớn
Tháp tùng cùng đoàn kiểm tra phòng, chống cháy rừng, mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của các anh. Cái nắng ban trưa như thiêu đốt, bước đi nặng trịch lên núi. Được một đoạn, chúng tôi phải tìm tảng đá dưới bóng râm nghỉ mát. Các anh vẫn tiếp tục đi, quảy bình xịt, đề phòng khi có lửa.
Anh Huỳnh Hữu Thiện cho hay, mọi hành vi sử dụng lửa bất cẩn đều có thể gây ra cháy rừng. Mùa này, người dân thường lên núi phát dọn cây, cỏ, đốt nương làm rẫy, hầm than, bắt ong, hoặc khách hành hương vứt tàn thuốc, đốt nhang, giấy vàng mã, nguy cơ cháy rất cao.
Trong quá trình tuần tra, các anh luôn trong tâm thế chủ động phòng cháy rừng. Chiếc điện thoại lúc nào cũng bật chế độ báo chuông. Đang tuần tra trên núi Tô, điện thoại của anh Thiện reo lên, đầu dây bên kia báo cháy tại đồi 400. Ngay lập tức, anh liên lạc lực lượng kiểm lâm đến ngay hiện trường, dập lửa cùng người dân. “Hổm rày cháy rừng liên tục. Nguyên nhân do người dân đi săn ong để tại cuộn bùi nhùi còn sót tia lửa” - anh Thiện kể. Tâm sự với chúng tôi vài câu, anh vội vã về ngọn đồi 400, tham gia chữa cháy rừng.
Ứng trực thường xuyên
TX. Tịnh Biên và huyện Tri Tôn có nhiều đồi núi hiểm trở, người dân thường xuyên lui tới cúng kiếng, dọn cỏ, “bà hỏa” có nguy cơ ập đến bất cứ lúc nào. Tại núi Tô, xung quanh cây rừng đều rụng trụi lá. Trong khi đó, ngọn núi này là điểm du lịch tâm linh, du khách thập phương đến cúng viếng đông đúc vào cuối tuần. Vì vậy, ngành kiểm lâm luôn nhắc nhở du khách đốt nhang, tiền vàng mã đúng nơi quy định. Tuy nhiên, địa bàn núi rất rộng, lực lượng ứng trực gặp không ít khó khăn.
“Các khu rừng trên núi đều được giao khoán. Do đó, ngành kiểm lâm tuyên truyền bà con lưu ý, không được mất cảnh giác trước “giặc lửa”. Đặc biệt, phải quan tâm chú ý đến khách hành hương đốt nhang cúng kiếng. Vậy mà, vẫn xảy ra cháy” - anh Thiện lo lắng.
Hiện nay, ngoài rừng tràm Trà Sư, khu vực núi Phú Cường, cụm núi Đất, núi Nhọn, đồi Ka Kô (TX. Tịnh Biên) được liệt vào danh sách báo động cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên “châm” đủ nước, ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Huyện Tri Tôn có các vùng trọng điểm cháy được xác định, gồm: Núi Tượng, núi Tô, núi Nam Qui, Ô Vàng, vồ Đá Bia, rừng tràm Tân Tuyến. Khu vực núi Sam (TP. Châu Đốc) có diện tích rừng, đồi núi khoảng 100ha. Điều đáng lo ngại nhất là du khách lên núi thắp nhang cúng kiếng, sơ ý để tàn nhang, đèn cầy rơi rụng, nguy cơ bốc cháy rất cao.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang Thái Văn Nhân, toàn tỉnh có 13.277ha rừng (đặc dụng và phòng hộ), phân bố chủ yếu tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, TX. Tịnh Biên và TP. Châu Đốc. Đối với khu vực đồi núi, hầu hết là diện tích rừng trồng xen cây ăn quả, được giao khoán cho hộ dân trồng, chăm sóc, bảo vệ. Thảm thực bì chủ yếu là cây bụi, thảm cỏ, lá khô.
Đặc biệt, tại núi Phú Cường và các núi thuộc huyện Tri Tôn, lá cây rừng tự nhiên, cây le, tầm vông rụng nhiều, tạo thành lớp vật liệu cháy dày đặc dưới tán rừng, nên khả năng xảy ra cháy rừng rất cao. Từ nay đến tháng 5 sẽ là cao điểm xảy ra cháy rừng đối với khu vực đồi núi. Riêng các khu vực rừng tràm (đồng bằng), thời gian nguy cơ cháy kéo dài đến tháng 7 hoặc tháng 8. Khung giờ xảy ra cháy rừng thường vào khoảng 11 - 17 giờ. Ngành kiểm lâm đã lên phương án, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ.
Dù đã nỗ lực đề phòng, nhưng 6ha rừng tại khu vực Kẹt Càng Đước (thuộc địa bàn xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) vẫn cháy lớn, chưa rõ nguyên nhân. Địa hình đồi núi hiểm trở, trên núi có nhiều lò ảng, hốc đá, lá cây rừng rụng lâu ngày tạo thành lớp thực bì mục dễ bén lửa nên sau vài ngày vẫn còn ngún khói cháy âm ỉ. Địa phương huy động lực lượng hàng trăm người, gồm: Kiểm lâm, ban quản lý rừng, quân sự, công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân, cùng nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị tham gia chữa cháy.
Những nơi khó tiếp cận còn ngún khói phải dùng drone (máy bay không người lái) để tưới nước chữa cháy dứt điểm. Đến tối 28/4, các khu vực cháy rừng trên địa bàn huyện được khống chế. Qua vụ cháy này, cần phải phối hợp nhịp nhàng trong việc phân công nhiệm vụ giữa các lực lượng thì mới chữa cháy kịp thời, không để thời gian kéo dài, rất gian nan.
Những năm qua, hệ thống đường giao thông quanh chân núi và lên núi được đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng. Ngoài ra, Nhà nước đầu tư 713 bồn chứa nước, trữ lượng chứa từ 1 - 2m3; 197 hồ, đập. Bên cạnh đó, các hồ dưới chân núi (Ô Tứk Sa, Thủy Liêm, Thanh Long, Cây Đuốc, Tà Lọt - TX. Tịnh Biên; Soài So, Tà Pạ, Ô Tà Sóc, Ô Thum, Soài Chek - huyện Tri Tôn) trữ đủ nước phục vụ cho sinh hoạt người dân, phòng, chống cháy rừng mùa khô. Từ đầu năm đến nay, tại địa bàn Bảy Núi xảy ra 20 vụ cháy rừng lớn nhỏ, nguyên nhân xác định là do săn ong, đốt nương… |
HOÀNG MỸ