Phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm “tín dụng đen”

29/12/2021 - 07:01

 - Bộ Công an vừa trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Cụ thể, cử tri nêu vấn đề: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, mất thu nhập, người dân dễ trở thành nạn nhân của đối tượng cho vay lãi nặng “tín dụng đen”, từng bước đưa họ và gia đình vào đường cùng, gây nhiều hệ lụy đau lòng, bất ổn xã hội. Cử tri đề nghị ngành công an cần có biện pháp chủ động phòng ngừa và tấn công trấn áp loại tội phạm này.

Những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ Công an chủ động phát hiện, triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung chế tài quản lý, xử lý; ban hành đề án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh; liên tục tổ chức đợt cao điểm tấn công, truy quét... Ngày 25-4-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen” đạt nhiều kết quả quan trọng. Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg, lực lượng công an khởi tố 1.156 vụ với 2.417 bị can; xử phạt hành chính 757 vụ với 1.504 đối tượng, về các tội danh liên quan “tín dụng đen”.

Những kết quả này tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần làm chuyển biến căn bản tình hình. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”, như: Bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản; “khủng bố” tinh thần bằng thủ đoạn đổ chất bẩn, chất thải, nhắn tin, gọi điện đe dọa... đã giảm nhiều, không còn công khai, manh động như trước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” vẫn phức tạp và tiềm ẩn, biến tướng dưới các hình thức khác nhau ở một số địa phương và trên không gian mạng. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập, đời sống của người dân khó khăn, có thể trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”. Bộ Công an đã sớm nhận diện, dự báo tình hình này; ban hành phương án, kế hoạch nghiệp vụ, chỉ đạo toàn lực lượng đấu tranh với nhiều giải pháp.

 Trước hết, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; về phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê... Qua đó, giúp người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm; không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ, kiến nghị bộ, ngành ban hành và triển khai chính sách an sinh xã hội, tín dụng... hỗ trợ khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 để phòng, chống “tín dụng đen”. Ngày 30-11-2021, Bộ Công an phối hợp bộ, ngành, địa phương tổ chức hội thảo bàn giải pháp phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen” trong giai đoạn hiện nay; chỉ đạo Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo nhận diện “tín dụng đen” dưới góc nhìn pháp luật và giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn (ngày 2-12-2021).

Lực lượng công an tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự (ANTT), nhất là quản lý cư trú, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, quản lý an ninh mạng. Ngày 8-12-2021, Bộ Công an đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dịch vụ bảo vệ an ninh mạng vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư, cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ, đối tượng nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; chủ động rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lừa đảo người dân dẫn đến vay nợ, cầm cố, siết nợ, đòi nợ thuê.

Thời gian tới, Bộ Công an tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá ổ nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ vi phạm pháp luật. Tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm qua đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử, báo chí, trang mạng xã hội, hòm thư tố giác. Tập trung điều tra, khám phá vụ án liên quan “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, phối hợp Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân xử lý nghiêm để răn đe tội phạm. Qua công tác điều tra, xử lý vụ án, vụ việc liên quan “tín dụng đen”, lực lượng làm rõ, kiến nghị vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, quản lý địa bàn, lĩnh vực, khắc phục sơ hở, thiếu sót và phòng ngừa tội phạm.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật phục vụ phòng ngừa, xử lý nghiêm minh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Bộ Công an đang trình Chính phủ xem xét Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình) phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020. Trong đó, quy định cụ thể hành vi cho vay với lãi suất vượt quá quy định tại Bộ luật Dân sự nhưng chưa đến mức xử lý hình sự; quy định xử lý hành chính hành vi cho vay tín chấp; kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn xử lý tội phạm cho vay lãi nặng quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự.

GIA MINH

 

Liên kết hữu ích