UBND tỉnh An Giang chỉ đạo sở, ngành, đoàn thể và UBND địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nòng cốt là lực lượng công an. Khi xảy ra vụ án giết người, lực lượng nhanh chóng đến hiện trường, triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, tiến hành điều tra ban đầu, bắt giữ đối tượng gây án. Tỷ lệ điều tra khám phá vụ án giết người trong năm 2021 đạt 100%. Kết quả trên góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, tạo môi trường, tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm giết người còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: Việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở phòng ngừa tội phạm giết người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh còn chậm, chưa thực sự được chú trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách, ý thức chấp hành pháp luật vẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục, chưa có trọng tâm, trọng điểm về nội dung, đối tượng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và thanh, thiếu niên. Các mô hình phòng, chống tội phạm đôi lúc hiệu quả chưa cao, mang tính hình thức. Công tác nắm tình hình có nơi, có lúc thiếu chủ động. Công tác nghiệp vụ cơ bản tuy chuyển biến tích cực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, chưa kịp thời phát hiện mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân để có biện pháp phòng ngừa. Công tác phối hợp quản lý người có tiền sử về bệnh tâm thần giữa các ngành, đoàn thể chính quyền địa phương với gia đình chưa chặt chẽ.
Khám nghiệm hiện trường một vụ giết người ở TP. Long Xuyên
Dự báo, tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng giết người thân trong gia đình do mâu thuẫn phát sinh không được phát hiện và giải quyết kịp thời; giết người cướp tài sản; giết người do mâu thuẫn nợ nần tiền bạc; giết người trong tình trạng bị tâm thần, bị ảo giác do sử dụng ma túy; giết người do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời…
Tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, manh động; phương thức, thủ đoạn phạm tội và che giấu tội phạm ngày càng tinh vi, đa dạng. Đối tượng gây án có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện nhiều hơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên trước ảnh hưởng của trang web, game bạo lực dẫn đến xu hướng sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn xảy ra nhiều hơn.
Vì vậy, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong và sau dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật nói chung, giết người cướp tài sản nói riêng. Chủ động nắm chắc tình hình tội phạm, phát hiện sớm mâu thuẫn, bất ổn trong xã hội, kịp thời tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có kế hoạch, biện pháp ngăn chặn.
Qua đó, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm, gắn công tác đảm bảo an ninh trật tự với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Tiếp tục xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trong đó chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản trong nhân dân; phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội, từng bước khắc phục, triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện tội phạm.
Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, đạo đức, lối sống và ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân sâu rộng, hình thức phong phú, đa dạng. Đặc biệt là tuyên truyền đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm giết người. Tăng cường quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn dân cư, tập trung vào đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người có tiền án, tiền sự, người nghiện ma túy; chú trọng lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc; rà soát phối hợp đưa người mắc bệnh tâm thần vào cơ sở điều trị.
Lực lượng công an tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ cơ bản. Tập trung theo dõi, quản lý, nắm di biến động đối tượng hình sự, đối tượng trong diện hiềm nghi; thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi, răn đe đối tượng côn đồ, hung hãn, có tiền án, tiền sự, “giang hồ mạng” và có biện pháp, kế hoạch cụ thể với từng nhóm đối tượng, không để xảy ra án giết người. Tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh vụ án giết người; phối hợp chặt với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân kiên quyết đưa ra xét xử lưu động vụ án giết người nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 194 vụ phạm pháp hình sự.
Lực lượng chức năng đấu tranh làm rõ 176 vụ, liên quan 272 đối tượng (bắt 218 đối tượng, cho gia đình bảo lãnh 47 đối tượng), đạt tỷ lệ điều tra khám phá 91,1%. Trong đó, tội phạm giết người 25 vụ, chiếm gần 13%, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả, đã điều tra khám phá 100%, liên quan 31 đối tượng (đã bắt 26 đối tượng).
|
NGUYỄN HƯNG