Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào TDTT ở vùng nông thôn được quan tâm thực hiện, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT góp phần phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa từng bước hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vui chơi, luyện tập TDTT.
Khóm, ấp, khu dân cư đều tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có tổ chức hoạt động TDTT, phục vụ nhu cầu sinh hoạt vui chơi, giải trí của Nhân dân. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT liên tục tăng qua các năm.
Ông Nguyễn Văn Hải (ngụ xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Hiện nay, đa số người dân rất quan tâm đến việc luyện tập TDTT. Tôi chọn môn cầu lông để tập luyện cùng bạn bè, giúp tinh thần thoải mái, nâng cao sức khỏe”.
Người dân tham gia thi đấu bóng chuyền
Sự góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, đầu tư thiết chế thể thao, sân chơi, bãi tập phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao thường xuyên, nâng cao sức khỏe Nhân dân vùng nông thôn.
Là môn thể thao “vua”, bóng đá luôn được yêu thích, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Hiện, toàn tỉnh có hàng trăm sân bóng đá, trong đó nhiều sân được làm bằng cỏ nhân tạo theo hình thức xã hội hóa. Hầu hết có chất lượng đảm bảo, mặt sân được lót cỏ nhân tạo, có lưới cước bao quanh, hệ thống thoát nước và đèn cao áp chiếu sáng phục vụ ban đêm.
Nhiều câu lạc bộ (CLB) bóng đá được thành lập, hoạt động nền nếp, góp phần đưa phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. Vào mỗi buổi chiều tại sân cỏ nhân tạo, không khí tập luyện, thi đấu giao hữu giữa các CLB bóng đá diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều người chơi, nhất là giới trẻ, cán bộ, viên chức, thanh, thiếu niên.
Anh Lê Văn Năm (ngụ xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết: “Bây giờ, có nhiều sân bóng đá mi-ni, nên mọi người tập luyện và thi đấu rất thuận tiện. Ngoài tập luyện vào giờ cố định hàng tuần, đội bóng của tôi còn thường xuyên tham gia thi đấu giao hữu, giải thể thao do địa phương tổ chức. Ở bất cứ giải đấu nào, cầu thủ cũng chơi bóng thật đẹp để cống hiến cho người xem pha bóng hay, bàn thắng đẹp, thắt chặt tình đoàn kết với nhau. Vui, khỏe là chính, chứ không đặt nặng chuyện thắng thua”.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành (huyện Châu Thành) Phạm Thị Bé Tư cho biết: “Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn coi trọng và phát triển phong trào TDTT quần chúng. Đến nay, hầu hết các ấp đều thành lập CLB TDTT, duy trì sinh hoạt thường xuyên, đều đặn. Song song với thành lập CLB, điểm, nhóm tập thể thao, địa phương còn tích cực đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu tập luyện của Nhân dân. Vào dịp lễ lớn của đất nước, dân tộc, Tết Nguyên đán, UBND xã đều tổ chức giải thi đấu TDTT (cờ tướng, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, đua xuồng, trò chơi dân gian…) thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao thể chất, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đời sống người dân vùng nông thôn”.
Thời gian tới, các cấp, ngành và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu ý nghĩa của việc tập luyện TDTT thường xuyên. Đồng thời, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất tập luyện TDTT, nhất là ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động CLB, đội, nhóm TDTT; thường xuyên tổ chức tốt hoạt động TDTT… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của Nhân dân.
TRUNG HIẾU