Phóng viên, biên tập viên và các cơ quan báo chí đều có thể là mục tiêu bị tấn công mạng
23/10/2024 - 19:43
Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của Quốc gia, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.
AA
Ngày 23/10, Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục ATTT (Bộ TT&TT) và đơn vị liên quan tổ chức hội thảo - tập huấn với chủ đề “Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông”.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết, để thực hiện quá trình chuyển đổi số (CĐS) báo chí đáp ứng mục đích đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay tại Việt Nam, đại đa số các cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng, thực hiện loại hình điện tử. Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Theo đó đối tượng bị tấn công có thể là hệ thống thông tin, có thể là người dùng cuối trong hệ thống như cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên (BTV), phóng viên (PV) cơ quan báo chí, truyền thông.
Đồng quan điểm, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục ATTT (Bộ TT&TT) cho biết, báo chí và truyền thông đóng góp vai trò thiết yếu trong việc cung cấp thông tin, phản ánh đời sống xã hội và góp phần không nhỏ vào việc định hướng nhận thức của công chúng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng không gian mạng, những mối đe dọa về ATTT đối với cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Phó Cục trưởng Cục ATTT cho biết, các cơ quan báo chí, PV, BTV, đồng thời phải thực hiện 2 trách nhiệm và sứ mệnh lớn, đó là: Tự bảo vệ cơ quan, tổ chức khỏi tấn công mạng, các rủi ro ATTT mạng; Truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về ATTT mạng, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh, rộng khắp.
Theo ông Trần Quang Hưng, trong quãng thời gian dài 10 - 20 năm gần đây khi nói về các chiến dịch được tài trợ bởi chính phủ, tổ chức khủng bố nhắm vào các chính trị gia, người nổi tiếng thì đối tượng cũng được nhắm tới nhiều nhất trên thế giới là PV báo chí.
Theo đó, Phó Cục trưởng Cục ATTT nhấn mạnh cần tăng cường bảo đảm ATTT cho hệ thống thông tin của cơ quan báo chí vì khi hệ thống cơ quan báo chí bị tấn công sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội. Các nhà báo có kỹ những kỹ năng đảm bảo ATTT cũng là giúp ích cho công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATTT.
Từ thực tiễn của báo VietnamNet, ông Nguyễn Đoàn Trọng Hiếu, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ cho biết, bảo vệ hệ thống thông tin đối với các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung và báo điện tử nói riêng luôn là công việc khó khăn, nhiều thách thức, chạy đua với công nghệ, tốn khá nhiều chi phí, nhân lực, vật lực và phải làm liên tục.
Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mất ATTT có thể xảy ra, ông Nguyễn Đoàn Trọng Hiếu cho biết các cơ quan báo chí điện tử cần nêu cao cảnh giác, kỹ năng thường xuyên rà soát, kiểm tra định kỳ để tránh việc bị khai thác các lỗi bảo mật.
Các cơ quan, tổ chức cũng cần tiến hành đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về ATTT cho cán bộ, PV, BTV kèm theo thiết lập các chính sách, quy trình bắt buộc, tuân thủ nghiêm túc về ATTT cũng như đảm bảo các trang thiết bị an toàn cho các hoạt động tác nghiệp.
Các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí cho hệ thống ATTT, bản quyền phần mềm, quy trình, công nghệ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Sử dụng các dịch vụ ATTT của các đơn vị chuyên nghiệp, hoặc chủ động đầu tư hạ tầng riêng, làm chủ công nghệ, không quá lệ thuộc hoàn toàn vào đơn vị thuê ngoài đối với vấn đề ATTT.
Theo XM (báo Tin tức)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: