Phụ nữ An Cư chung tay vượt khó

11/05/2022 - 06:39

 - Từ năm 2013 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Cư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) không ngừng phát triển mô hình "Cổ phần tài chính tự quản" (viết tắt là VSLA - tín dụng tiết kiệm). Đây là chương trình của tổ chức CARE, được đơn vị áp dụng thành công, phù hợp với điều kiện địa phương, giúp nhiều chị em ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.

An Cư là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống (chiếm 79,6% dân số toàn xã), tỷ lệ hộ nghèo khá cao (trên 25,5%). Nhìn chung, đời sống của người dân rất khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi.

Từ thực tế trên, kết hợp với sự chia sẻ từ các chương trình của tổ chức CARE, Ban Chấp hành Hội LHPN xã An Cư tham mưu cấp ủy địa phương nghiên cứu, tìm những mô hình thiết thực giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, đặc biệt là hội viên, phụ nữ DTTS Khmer. Xác định tín dụng tiết kiệm là mô hình mang lại hiệu quả, hội mạnh dạn triển khai.

Nhớ lại những ngày mới thành lập nhiều khó khăn, Chủ tịch Hội LHPN xã An Cư Lương Thị Hoàng Kim chia sẻ: “Ý nghĩa của dự án là hướng dẫn, giúp đỡ chị em tham gia góp vốn để hỗ trợ chị em khác có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn vốn dành cho mua bán nhỏ, lo con cái ăn học, tương trợ nhau lúc ốm đau, bệnh tật. Ban đầu, nhiều chị em chưa hiểu hết cách làm và ý nghĩa mô hình, nên ngần ngại tham gia.

Thế nhưng qua thời gian tuyên truyền, vận động tích cực của hội, nhiều chị em hiểu, nhận thấy lợi ích thiết thực, rất phấn khởi tham gia. Khi mới thành lập tổ, chỉ có 28 thành viên tham gia, nay đã có 3 tổ (Tổ Ban Chấp hành Hội LHPN xã, Tổ ấp Pô Thi, Tổ ấp Chơn Cô), với 82 thành viên, trong đó 50 hội viên là người DTTS Khmer”.

Họp tổ hàng tháng, công khai số cổ phần, nguồn vốn của tổ

Dự án sinh hoạt từ 1-2 lần/tháng, tùy vào điều kiện của từng tổ. Các chị em mua tối thiểu 1 cổ phần, tối đa 5 cổ phần (mỗi cổ phần trị giá 50.000 đồng). Mỗi tổ hàng tháng ước thu về số vốn từ 20-30 triệu đồng. Trong tháng, nếu có nhu cầu vay vốn, thành viên trong tổ sẽ được xét theo thứ tự ưu tiên, mức lãi suất từ 1-2% (tùy quy định của thành viên trong tổ). Nếu không ai có nhu cầu vay vốn, đến hết 1 năm sẽ hoàn vốn, chia lãi suất thu được cho thành viên. Tùy vào mức mua cổ phần, các chị có thể tiết kiệm từ 5 triệu đồng đến 25 triệu đồng/năm. 

Theo đánh giá của chị Lương Thị Hoàng Kim, từ khi thành lập mô hình, chị em hội viên phụ nữ giảm bớt khó khăn. Các chị có thể mua bán nhỏ, chăn nuôi heo, mua vải mở tiệm may… Từ đó, thu nhập gia đình ngày càng ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhiều con em gia đình đồng bào DTTS được đến trường, không phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn như trước đây. Đó là sự đổi thay đời sống kinh tế - xã hội đáng ghi nhận trên địa bàn xã vùng biên.

Những năm trước đây, đời sống của chị Neáng Sóc Chanh (ấp Pô Thi) rất khó khăn. Cả gia đình trông chờ vào số tiền làm công ít ỏi ngày có ngày không của hai vợ chồng. Thế nhưng, khi tham gia mô hình, chị Sóc Chanh được vay 6 triệu đồng. Chị mua các loại trái cây về bán trước nhà. Thu nhập tuy không nhiều, nhưng đảm bảo cuộc sống, giúp chị tự tin hơn.

Chị Neáng Sóc Chanh chia sẻ, tham dự lần 2, chị sẽ vay thêm tiền cho đứa con lớn đóng học phí, có điều kiện đi học xa nhà. Cũng như chị Sóc Chanh, nhiều hội viên phụ nữ khác đã nhận về lợi ích thiết thực.

Bà Kim Thị Viên (cùng ngụ ấp Pô Thi) chia sẻ: “Khi cần một số tiền lớn để bán hàng, quả thật với cảnh nghèo khó của gia đình bao năm, tôi không thể có ngay. Nay nhờ mô hình này mà tôi được vay ít vốn mua bán nhỏ. Số tiền lãi có được, tôi đầu tư trở lại, sau đó hoàn vốn đã mượn về cho tổ. Sắp tới, tôi cố gắng dành dụm thêm chút ít, khi nào không đủ mới mượn thêm tổ”.

Chị Châu Thị Thi (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Pô Thi) cho biết: “Năm vừa rồi, tổ chúng tôi có 38 chị tham gia, giờ tăng lên 42 chị. Mỗi tháng, thành viên tập trung 1-2 lần, trung bình mỗi năm các chị thu 11 triệu đồng, cộng thêm tiền lãi khoảng 1 triệu đồng, đủ để mua bán nhỏ hoặc làm vốn chăn nuôi, phát triển nghề thủ công. Dự án là một kênh xoay vòng tài chính hiệu quả, tránh cho các chị em thiếu hiểu biết, nhẹ dạ tham gia vào “tín dụng đen””.

Chị Lương Thị Hoàng Kim chia sẻ thêm: “Hướng tới, Hội LHPN xã sẽ khảo sát thêm các chi, tổ, hội. Nếu nhiều chị em còn nhu cầu tham gia, chúng tôi thành lập thêm tổ, số cổ phần được mua nhiều sẽ góp phần tăng thêm nguồn vốn xoay vòng, càng giúp nhiều chị em mở rộng nguồn vốn mua bán, tăng lợi nhuận và đẩy nhanh vòng xoay của vốn.

Bên cạnh việc động viên chị em làm ăn, hội tích cực tuyên truyền kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”, hạn chế sử dụng túi ny-lon, hướng dẫn phụ nữ nuôi con khỏe dạy con ngoan, vận động hỗ trợ xây nhà cho chị em khó khăn, xây dựng tuyến đường hoa, giúp diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc”.

TRÚC PHA

 

Liên kết hữu ích