Phụ nữ quê thêm thu nhập từ nghề cạo vỏ hạt điều

28/09/2023 - 05:15

 - Nghề cạo vỏ hạt điều gia công tại xã Long Kiến (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) những năm gần đây mang lại thu nhập cho nhiều phụ nữ thôn quê, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi, cải thiện đời sống kinh tế gia đình cho các hộ dân.

Nghề cạo vỏ hạt điều giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Đó là một nghề khá đơn giản, được phụ nữ  giới thiệu nhau để cùng làm, kiếm thêm thu nhập. Tại nhà chị Lê Thị Kiều Nga (ấp Long Hòa 2), không khí khá nhộn nhịp, nhiều chị em phụ nữ đến cân hạt điều mang về nhà làm, người đem cân giao trả hạt điều đã được lột vỏ xong.

Chị Nguyễn Thị Trinh (ngụ ấp Long Hòa 2) cho biết: “Hôm nay, tôi giao trả lại 2kg hạt điều đã nhận từ 2 ngày trước. Do không thể làm xuyên suốt như các chị em khác, tôi tranh thủ thời gian ngồi bán rau, củ tại chợ, lúc không có khách mới có thể làm. Dù thu nhập mỗi ký điều làm được chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng nhưng nếu chịu khó làm, tiền kiếm được bỏ ống heo tiết kiệm cũng có thể đóng được tiền điện, tiền nước mỗi tháng”. Rồi chị Trinh khỏe sản phẩm vừa làm xong, từng hạt điều trắng muốt đã được tỉ mẩn bóc tách những mảng vỏ lụa còn sót lại.

Chị Lê Thị Kiều Nga là đầu mối phân phối hạt điều trong ấp Long Hòa 2. Những năm trước, chị Nga chỉ đơn thuần đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, đời sống khó khăn, đến khi mẹ chị bệnh, phải trở về quê nhà để chăm sóc mẹ.

Về quê, chị Nga luôn đau đáu phải nhanh chóng tìm việc làm để trang trải cuộc sống. May mắn, chị Nga được một người quen giới thiệu nghề cạo vỏ hạt điều. Thế là chị Nga mạnh dạn nhận vài chục ký rồi đến vài trăm ký điều về nhà, ban đầu chị tự làm, sau làm không xuể đã nghĩ đến chuyện thuê các chị em hàng xóm làm tiếp.

“Do hạt điều đã được tách vỏ, chị em nhận về dùng dao nhỏ để cạo những phần vỏ còn sót lại trên hạt điều, công việc không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Tùy theo loại điều nhập về từng chuyến, tôi giao lại cho các chị cạo và trả tiền công từ 4.000 - 5.500 đồng/kg.

Sau khi nhận hàng từ các chị về, tôi phải kiểm tra đã cạo sạch hết chưa để đảm bảo giao hàng đạt chất lượng xuất khẩu. Đó là sự khẳng định uy tín để cơ sở tiếp tục giao hàng cho chúng tôi. Cứ như thế 3 - 4 năm nay, tôi giữ vững số lượng làm và giao hàng từ 1 - 1,5 tấn hạt điều/chuyến, mỗi tháng làm được 5 - 6 chuyến, nhờ vậy đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 chị em phụ nữ” - chị Nga chia sẻ.

Ghé thăm một điểm làm điều khác tại ấp Long Bình (xã Long Kiến) chúng tôi càng hiểu hơn tính hiệu quả của mô hình. Chị Nguyễn Thị Nhanh cho biết: “Ở quê, muốn tìm việc làm nhẹ tại nhà, giờ giấc tự do là rất khó. Bởi chị em phụ nữ còn phải loay hoay chuyện đi chợ, cơm nước, đưa đón con đi học, khi có thời gian mới có thể làm việc. Từ ngày mấy chị em đi làm ăn xa, rồi về quê nhận hạt điều phân phối cho chị em làm, chúng tôi rất phấn khởi. Mỗi ngày, các chị làm được 3 - 4kg, kiếm từ 15.000 - 20.000 đồng, tuy ít nhưng dành dụm lại, nuôi ống heo cũng có thể kiếm được 600. 000 - 700.000 đồng/tháng, có thể chi tiêu cho những sinh hoạt, như: Đóng tiền điện, nước, học phí, bảo hiểm cho con đi học…”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Kiến Trần Thị Như Ngọc thông tin: “Nghề cạo hạt điều tại xã Long Kiến ngày càng phát triển, nhân rộng đến 6 ấp trong xã. Đây là việc làm nhẹ nhàng, thời gian linh hoạt, có thể nhận hàng về làm tại nhà, rất phù hợp với phụ nữ nhàn rỗi, phụ nữ lớn tuổi ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện kinh tế gia đình.

Với cách làm hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, khảo sát để nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của các chị. Từ đó, có hướng hỗ trợ như phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hay vận dụng nguồn vốn vay từ các dự án để các chị có thêm nguồn vốn nhập hàng, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để các chị em chưa có việc làm ở quê được tiếp cận, học nghề và nhận hàng về làm”.

NGỌC GIANG