Lê Thị Ngọc Điệp: “Không đầu hàng số phận”
Chưa cảm nhận hết hạnh phúc tuổi thơ, năm 11 tuổi một căn bệnh bất ngờ kéo đến làm chị Lê Thị Ngọc Điệp (sinh năm 1983, ngụ ấp Bình Trung 1, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) mất đi vĩnh viễn đôi chân và phải gắn cả cuộc đời với chiếc xe lăn.
Sinh hoạt khó khăn, học hành dang dở, mặc cảm, tự ti với số phận đã có lúc làm chị gục ngã. Thế nhưng, bằng suy nghĩ “không thể mãi là gánh nặng của gia đình” và sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, chị Điệp đã được vay 10 triệu đồng để mở gian hàng tạp hóa nhỏ tại nhà.
Do di chuyển khó khăn nên chị phải nỗ lực gấp đôi người bình thường. Hiện, chị đã có thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và tích cực tham gia các phong trào PN ở địa phương.
Chị Nguyễn Kim Phượng: đơn thân nuôi con chăm ngoan học giỏi
“Gãy gánh giữa đường” là điều không phụ nữ nào mong muốn khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Vậy mà, năm 30 tuổi người chồng dứt áo ra đi. Chị Phượng (ngụ khóm Bình Long 3, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) hoang mang cho cuộc sống phía trước khi biết mình mang bầu tháng thứ 3 mà lại là song thai. Chị đã cố sống vì trách nhiệm với 2 con và cả người mẹ già trên 80 tuổi.
Trải qua biết bao vất vả, cuối cùng công việc chị làm lâu nhất là bán đồ nhắc nồi tại chợ Mỹ Bình, mỗi cặp nhắc nồi chỉ lời 2.000 đồng nên chị phải bán đồ chơi trẻ em vào buổi tối mới có thể trang trải cuộc sống.
“Hơn 17 năm qua, nhà không có đàn ông, thiếu thốn trăm bề nên tôi phải tự mình xoay xở mọi việc. Giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời đã qua, 2 con dần khôn lớn và chăm ngoan học giỏi suốt 11 năm liền chính là niềm an ủi cho cuộc đời tôi” - chị Phượng bộc bạch.
Do lao lực quá nhiều đã khiến người PN 47 tuổi trở nên gầy gò, già dặn và mang trong mình căn bệnh phổi. Thương mẹ, 2 em Kim Anh và Kim Ngân ngoài giờ học thì phụ mẹ bán hàng và tìm việc làm thêm. Biết được hoàn cảnh, Hội LHPN phường Mỹ Bình đã vận động các nhà hảo tâm cất cho chị một căn nhà đàng hoàng hơn, đồng thời hỗ trợ học phí, tặng học bổng, xe đạp để các con chị Phượng yên tâm học tập.
Chị Nguyễn Thị Phúc: năng động làm giàu
Lập gia đình vào tuổi 23 và ra ở riêng với 2 bàn tay trắng nên cuộc sống của chị Phúc (sinh năm 1973, ấp Bình Trung 2, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) gặp nhiều khó khăn.
Với nghề thợ may, chị đi làm công cho các cơ sở may trên địa bàn và tranh thủ làm thêm tại nhà nhưng vẫn không đủ chi tiêu và nuôi các con ăn học.
Năm 2013, Hội LHPN xã tạo điều kiện cho gia đình chị vay vốn từ nguồn quỹ giải quyết việc làm, anh chị đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để mở cơ sở may.
Với tính năng động, nhạy bén trong kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở may của chị làm ăn ngày càng phát triển mang lại lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương.
Chị Đào Thị Ngọc: hiến đất xây trường
Lập nghiệp ở miền Nam, gia đình chị Đào Thị Ngọc chọn xã Vĩnh Phú (Thoại Sơn) làm quê hương thứ 2. Với bản tính cần cù và chi tiêu tiết kiệm, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ dần ổn định. Từ mua bán nhỏ lẻ và chăn nuôi heo sinh sản, 2 vợ chồng chị đã tích cóp mua được 10 công đất ruộng và nhà ở.
Khi kinh tế ổn định, nhớ lại cảnh đứa 3 đứa con nhỏ trên con đường nắng bụi, mưa bùn, trường học tre lá tạm bợ nên chị rất đồng thuận với chủ trương của xã, tự nguyện hiến 360m2 đất, trị giá 360 triệu đồng giúp Trường THCS Vĩnh Phú mở rộng, xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Với chị Ngọc, đó là sự tri ân nhỏ bé đối với mảnh đất đầy ắp tình người mà chị đã gắn bó trong những năm tháng khó khăn.
PN Việt Nam bao đời cần mẫn, trung hậu, đảm đang, dù trong bất cứ hoàn cảnh gian khó vẫn giữ tinh thần kiên cường, bất khuất. Họ, một nửa thế giới vừa mang hương sắc làm đẹp cho vườn hoa cuộc đời, vừa âm thầm đóng góp biết bao công sức, trí tuệ cho xã hội. Trân quý lắm những tấm lòng PN, sống đẹp cả hình thức lẫn phẩm chất và tâm hồn.
Bài, ảnh: TRÚC PHA