Phú Tân chăm lo tốt cho người có công

29/04/2020 - 04:42

 - Để xây dựng quê hương Phú Tân (An Giang) đổi mới của ngày hôm nay, bên cạnh nỗ lực thi đua lao động sản xuất, lớp lớp thế hệ đã và đang sinh sống trên vùng đất cù lao luôn gìn giữ tốt truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”. Chăm lo cho người có công là việc làm được Đảng, chính quyền, nhân dân cùng thực hiện, với tinh thần trách nhiệm, tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc.

Tặng quà cho gia đình có công tiêu biểu trên địa bàn huyện

Huyện Phú Tân hiện có khoảng 2.000 người có công được nhà nước công nhận theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó có 30 mẹ Việt Nam Anh hùng, 527 liệt sĩ, 264 thương binh và bệnh binh, 908 người có công với cách mạng, trên 270 người hoạt động kháng chiến. Mỗi năm, huyện chi 12 tỷ đồng thực hiện các khoản kinh phí ưu đãi người có công trên địa bàn.

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng, đến nay huyện đã hoàn thành dứt điểm xác nhận hồ sơ người có công với cách mạng, không còn hồ sơ tồn đọng. Các chính sách ưu đãi cho người có công được các ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật. Trong đó, phần kinh phí thực hiện chi trả hàng tháng luôn được quan tâm, cân đối nguồn kinh phí để giải quyết dứt điểm vào tuần đầu của tháng.

Những chính sách khác như: bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân người có công, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, hỗ trợ con của thương binh, bệnh binh học tập… luôn được ưu tiên, thực hiện kịp thời. Ngoài ra, còn có chính sách cho vay vốn để cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, hỗ trợ điện, nước, môi trường sinh hoạt…

Thực hiện theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, từ cuối năm 2014 đến nay, toàn huyện cất và sửa chữa 385 căn nhà với tổng kinh phí 11 tỷ 780 triệu đồng.

Bên cạnh kinh phí nhà nước, địa phương đã vận động 1,4 tỷ đồng cất mới 28 căn nhà cho gia đình chính sách. Kết quả đáng phấn khởi nữa là mức sống của người có công trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao, hầu hết ở mức trung bình trở lên.

Đặc biệt, đến cuối năm 2019, huyện không còn hộ gia đình có công thuộc hộ nghèo. Công tác quản lý nhà nước, thực hiện chính sách đối với người có công, quản lý nguồn kinh phí, các đối tượng, việc kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo… thực hiện khá tốt.

Huyện đang tranh thủ nguồn từ tỉnh để chăm lo về nhà ở, cũng như thực hiện tốt tuyên truyền pháp luật về thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cùng với nhà nước thực hiện các chính sách chăm lo tốt hơn.

Song song đó sẽ biểu dương, khen thưởng đối với người có công, tổ chức, cá nhân có sự đóng góp tích cực cho phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo gia đình chính sách của địa phương.

Để giúp đỡ các đối tượng người có công trong giảm nghèo, huyện Phú Tân triển khai nhiều mô hình việc làm, giảm nghèo từ nguồn vốn thông qua chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh và quỹ “Vì người nghèo” của huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Với sự tiếp sức ban đầu này, nhiều gia đình đã nỗ lực làm ăn, phát triển dần quy mô và khấm khá, đi đầu là những hội viên cựu chiến binh.

Ông Phan Nhật Tân (thương binh hạng 3/4 ở xã Phú Thọ) chia sẻ: “Thời gian qua, những chế độ cho gia đình người có công với cách mạng được huyện, xã quan tâm chu đáo. Ngày lễ, Tết mỗi hộ đều được thăm hỏi, tặng quà, ngoài ra còn có chế độ tham quan nghỉ dưỡng, trợ cấp hàng tháng đầy đủ theo quy định”.

Ông Tân đi bộ đội năm 1986, trở về với đôi bàn tay trắng, không có đất đai để sản xuất. Được địa phương xét cấp cho nền nhà, vợ chồng ông đi làm thuê rồi học thêm nghề nuôi cá. Thấy ông cần cù, chịu khó, “bạn nghề” đều thương tình chỉ bảo kinh nghiệm, cứ 3-4 năm đổi mẻ cá giống mới, gia đình có thu nhập 60-70 triệu đồng/vụ.

Ông Phạm Văn Trung (ngụ ở xã Tân Hòa) là điển hình cựu chiến binh nhiều năm liền được các cấp hội, địa phương khen thưởng đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Hội viên cựu chiến binh gương mẫu” và các hoạt động xã hội. Từ những ngày đầu còn lo “chạy ăn” từng bữa, năm 2000 ông gom hết số tiền dành dụm được để đầu tư nuôi 2 cặp bò sinh sản.

Nhận thấy mô hình đem lại thu nhập khá, 2 năm sau ông vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chuồng chăn nuôi với diện tích 250m2 để nhân rộng. Mỗi năm, gia đình ông nuôi từ 2-3 lứa, mỗi lứa 15 con, xuất bán thu về lợi nhuận 90 triệu đồng/năm. Ông Trung cho biết, từ ngày nuôi bò đến nay, đồng tiền “nảy nở” nên đủ nuôi con cái học hành và có thể giúp đỡ cho anh em hội viên lúc khó khăn.

Ngoài thực hiện đúng và đủ những chính sách ưu đãi cho người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm thực hiện ở tất cả các địa bàn Phú Tân. Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hành học tập theo gương Bác, mỗi địa phương còn phát triển mô hình riêng để có cách hỗ trợ phù hợp cho người có công, gia đình chính sách. Đây là những điểm sáng để lan tỏa, thu hút mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, chăm lo, phụng dưỡng những người có công với cách mạng ngày một tốt hơn.

MỸ HẠNH