Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngân (ngụ ấp Hòa Lộc, xã Hòa Lạc) sống trong vùng sạt lở nhiều năm nay và cũng biết rõ mức độ nguy hiểm vì đã được địa phương cảnh báo. Tuy nhiên, do chưa có nền bố trí, nên gia đình phải chấp nhận ở lại nền cũ thêm một thời gian. Những tài sản có giá trị đã đem đi gửi, còn người trong nhà đều dời xuống sân để ngủ, phòng khi có trường hợp đột xuất có thể chạy kịp. Chị Ngân cho biết, mùa nước lên hàng năm cũng là lúc khu vực này sạt lở thêm, mưa giông kèm theo sóng của ghe tàu chạy làm cho đất lở ăn sâu vào bờ. Gia đình mong muốn địa phương sớm hỗ trợ nền tái định cư để di chuyển đến nơi an toàn sinh sống.
Bà Bùi Thị Thu Hà, ngụ cùng ấp, là một trong số hộ “cố cựu” tại đây, khi buộc phải dời đi bà rất quyến luyến. “Tôi gắn bó mấy chục năm, gia đình đã nối đến 5 đời, hồi xưa khoảng đất trống trước nhà rộng bằng sân bóng, cứ mỗi năm sạt lở ăn sâu vào bờ, giờ nước đã ngấp nghé sát sàn nhà, sụp mất chuồng heo. Ban ngày vào nhà dọn dẹp, ban đêm sang nhà bà con để ngủ. Chúng tôi không kén chọn đi đâu, miễn có nền là di dời ngay. Đa số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn mới sống tập trung quanh đây, nếu được hỗ trợ một phần kinh phí để di dời, chúng tôi rất biết ơn” - bà Hà trải lòng.
Sạt lở ảnh hưởng nhà ở của người dân
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc La Đức Tạo cho biết, khi có dấu hiệu sạt lở, UBND xã đã chỉ đạo ban phòng, chống lụt bão kết hợp vận động, giúp đỡ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm để tìm đến nơi ở an toàn. Trong khi chờ đợi nhà nước bố trí nền tái định cư, các hộ tạm thời di dời đến ở nhà người thân. Địa phương cũng có những chính sách để hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, đúng quy định. Năm 2024, xã xảy ra sạt lở ở 3 ấp: Hòa Lộc, Hòa Hưng 1 và Hòa An. Có 8 hộ nằm trong nguy cơ mất an toàn, cảnh báo sạt lở, trong số đó có 4 hộ đã di dời đến nơi ở mới an toàn. Còn lại 4 hộ di chuyển vật dụng có giá trị, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Toàn xã Hòa Lạc bàn có 3 khu vực cảnh báo sạt lở, nằm dọc ở 6 ấp theo tuyến sông Hậu. Nguyên nhân do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn kết hợp triều cường, dòng chảy siết và mưa lớn kéo dài. Vị trí sạt lở này nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường. “Hiện nay, nền tái định cư của UBND xã Hòa Lạc đã hết, địa phương đã đề xuất với cấp huyện tìm chỗ ở phù hợp. Qua làm việc với 8 hộ, hầu hết đều đồng tình, cam kết khi có chỗ ở phù hợp sẽ di dời đến nơi được bố trí. Những hộ có người cao tuổi, hoàn cảnh khó khăn, UBMTQVN xã hỗ trợ gạo, tiền để họ được đảm bảo cuộc sống, vượt qua khó khăn” - ông La Đức Tạo thông tin.
Thời gian qua, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường và nhiều đợt mưa lớn tại chỗ kéo dài đã gây ra sạt lở đất bờ sông tại một số địa phương trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, nhà ở của Nhân dân và Nhà nước. Theo thông tin cảnh báo, dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình mưa, lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ sạt lở đất bờ sông tiếp tục phát sinh mới với quy mô và mức độ khó dự báo. UBND huyện đã đề nghị các ngành, địa phương tăng cường tuần tra, thông tin kịp thời diễn biến sạt lở cho người dân biết chủ động, kiên quyết di dời người, nhà ở, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện chặt/tỉa/mé nhánh cây xanh và tháo dỡ di dời trại, nhà tạm… vật kiến trúc trong khu vực cảnh báo. Thực hiện đầy đủ các biện pháp cảnh báo; phân luồng, điều tiết giao thông giảm tải trọng trên các tuyến giao thông trong khu vực sạt lở. Đối với các hộ dân di dời khỏi khu vực sạt lở sẽ có chính sách hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại do thiên tai theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính Phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Các địa phương có hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông, tổ chức làm việc cụ thể từng hộ dân (hoàn cảnh, đời sống…), nhu cầu (chỗ ở, vật liệu cất mới…) để có biện pháp hỗ trợ cụ thể nơi ở tạm, tái định cư ổn định đời sống.
MỸ HẠNH