Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, cùng đông đảo bà con nhân dân và du khách thập phương tham dự.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam khẳng định: Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc đã trở thành tài sản chung không thể thiếu của nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn và các vùng lân cận. Đến nay, Ngày hội không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa tinh thần, mà là sự kiện chính trị, kinh tế, du lịch quan trọng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, tiềm năng phát triển của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đến bạn bè, du khách ở trong và ngoài nước.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn được phục dựng tổ chức từ năm 1996, dựa trên nguyên gốc của phiên chợ Chũ xưa, diễn ra vào ngày 18/2 âm lịch hàng năm. Đây không chỉ là phiên chợ đơn thuần, mà là một ngày hội rất lớn trong chuỗi ngày du xuân hát hội của đồng bào Tày, Nùng và các dân tộc trong vùng, kéo dài suốt từ sau Tết Nguyên đán. Khởi đầu từ phiên chợ tình vùng cao Thác Lười - Tân Sơn (ngày 11, 12 tháng Giêng), đến phiên chợ Phong Vân và các vùng lân cận, cuối cùng được khép lại với phiên chợ Chũ ngày 18/2 âm lịch.
Năm 1998, UBND tỉnh Bắc Giang công nhận Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn là một trong 4 lễ hội lớn hằng năm của tỉnh. Trong gần 30 năm qua, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn đã ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu; phạm vi quy mô và sức sống của Ngày hội đã lan tỏa ra khắp các tỉnh lân cận, trở thành Ngày hội văn hóa Đại đoàn kết dân tộc của cả vùng rộng lớn khu vực trung du, miền núi Đông Bắc.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Ngày hội được tổ chức 5 năm/lần. Tất cả những nét đặc sắc nhất của các phiên chợ và hội hát xưa đều được nghiên cứu, chọn lọc, tổng hợp để phục dựng, bảo tồn, kế thừa và phát triển trở thành nội dung cốt lõi của Ngày hội. Hồn cốt nhất chính là hình ảnh đồng bào các dân tộc thiểu số khi đi dự hội đều mặc trang phục truyền thống, nói tiếng nói dân tộc, hát dân ca, hát giao duyên, hát đối đáp, chơi trò chơi dân gian, giao lưu thưởng thức ẩm thực truyền thống tiêu biểu nhất… của mỗi dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xác định văn hóa là một trong 3 trụ cột của chiến lược phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2045, Bắc Giang trở thành tỉnh giàu mạnh về kinh tế, tiên tiến về văn hóa và bền vững về môi trường sinh thái.
Giao lưu múa sạp tại ngày khai mạc. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Để góp phần đưa Bắc Giang đạt được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn tiếp tục phát huy hơn nữa những kinh nghiệm, thành quả đã tạo dựng được trong sự nghiệp bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phát triển vùng cây ăn quả trọng điểm gắn với du lịch trải nghiệm. Huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lục Ngạn, tiến tới nâng cấp quy mô Ngày hội trở thành lễ hội của khu vực; xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận Chợ tình, Phiên chợ Xuân vùng cao và Hội hát của các dân tộc huyện Lục Ngạn trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đông đảo du khách đến tham quan các trại văn hóa tại lễ khai mạc. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn diễn ra đến hết ngày 9/3.
Theo TTXVN