Bảo tàng Tôn Đức Thắng được thành lập nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-1988), đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập về Bác Tôn của Nhân dân cả nước nói chung, Nhân dân miền Nam nói riêng và đặc biệt là Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng đặt tại TP. Hồ Chí Minh mang ý nghĩa đặc biệt, vì phong trào đấu tranh của công nhân, Nhân dân lao động Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ XX (khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời) luôn gắn liền với tên tuổi Tôn Đức Thắng - người tham gia sáng lập tổ chức Công hội bí mật.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng giới thiệu khá đầy đủ, có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Trong phòng trưng bày “Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng”, khách tham quan được biết đến làng quê Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang) êm đềm, nuôi dưỡng tuổi thơ của Bác; những ngày tháng nhọc nhằn mà vinh quang của Bác tại Sài Gòn, khi trở thành người công nhân mang lý tưởng cách mạng; những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của Bác…
Tất cả được tóm gọn lại bằng câu nói của đồng chí Võ Văn Kiệt: “Sự sống hôm nay và mai sau sẽ làm cho Bác Tôn kính yêu của chúng ta trở thành bất tử”.
Đến với phòng trưng bày “Viên ngọc Côn Sơn”, khách tham quan sẽ cảm nhận sâu sắc thế nào là “địa ngục trần gian”, nơi Bác Tôn phải trải qua 15 năm tù đày.
Bảo tàng đã tái hiện mô hình “hầm xay lúa”, với những hình ảnh chân thực nhất, khốc liệt nhất. Tiếng thở mệt nhọc của tù nhân, tiếng la hét của cặp rằng (cai tù), tiếng kẽo kẹt của cối xay khổng lồ… vang vọng trong không gian chật hẹp.
Nơi đặt cối xay lúa giống như một khám giam, tường đá dày xây kín 3 mặt, nóng như một cái hầm, mặt còn lại đặt song sắt lớn để bọn gác ngục kiểm soát.
6 người mới quay nổi 1 cối xay. Khi xay lúa, bụi trấu bay mù mịt, nóng bức rất khó chịu, dưới chân lại là gông cùm nặng trĩu. Tù nhân bị đưa vào đây đôi ba tháng là kiệt sức, toét mắt và mang bệnh lao phổi mãn tính.
Vậy mà ở nơi đó, người tù Tôn Đức Thắng không những không chết vì âm mưu của địch, mà còn có thể cảm hóa kẻ địch, biến nhà tù thành nơi truyền bá chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết, tập hợp lực lượng.
Những phòng trưng bày khác lại cho du khách hiểu được những ngày tháng của Bác Tôn tại ATK - Việt Bắc, hình ảnh Bác trong lòng Nhân dân thế giới và qua tác phẩm mỹ thuật, cuộc sống đời thường của Người.
Đó là bộ ấm pha trà do Đoàn đại biểu tỉnh Rạch Giá tặng Bác nhân dịp ra Hà Nội mừng lễ Quốc khánh 2-9-1975, là tượng Ông Thọ (do Đảng bộ và Nhân dân tỉnh An Giang tặng), bình gốm Bát Tràng (do UBMTTQ Việt Nam tặng) mừng thọ Bác 90 tuổi vào ngày 20-8-1978…
Hoặc những bức tranh bằng lá thốt nốt do An Giang gửi tặng Bảo tàng, tranh chân dung Bác bằng đủ loại vật liệu (nút áo, nút gỗ, tem, đá quý, vỏ trấu, lụa, sơn dầu…) của nhiều nghệ nhân, họa sĩ khắp mọi miền đất nước.
Trong những bức tranh ấy, Bác hiện lên với gương mặt phúc hậu, ánh mắt cương nghị nhưng hào sảng, sống động đến mức khó tin.
Ở một góc trang trọng trong bảo tàng, là câu nói của Người: “Tôi muốn được nói với đồng bào miền Nam rằng, từng giờ, từng phút tôi luôn nghĩ đến miền Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, đang bị đế quốc Mỹ và tay sai tàn phá, nhớ đến đồng bào và miền Nam ruột thịt đã chịu bao đau thương tang tóc, đang chiến đấu anh dũng chống bọn cướp nước, hại dân vô cùng hung ác. Tôi muốn được sát cánh cùng đồng bào trong cuộc đấu tranh, cùng đồng bào chia sẻ những gian khổ hy sinh để giải phóng quê hương yêu dấu”.
Suốt buổi thuyết minh, chị Nhâm Thị Ngân Hà (hướng dẫn viên) nhiều lần nghẹn ngào khi kể về những gian lao Bác đã trải qua, hạnh phúc, tự hào khi nói về công lao và sự vĩ đại của Người.
Chị Hà chia sẻ với tôi: “30 năm nay, tôi làm nhiệm vụ thuyết minh tại Bảo tàng. Hầu như ngày nào, tôi cũng có dịp nói về Bác, từng sự kiện in sâu vào lòng khó quên được. Nhưng không vì vậy mà tôi cảm thấy nhàm chán, mà mỗi lần thuyết minh là một lần tôi kể chuyện Bác bằng cả trái tim và cảm xúc của bản thân. Càng thuyết minh, tôi càng cảm thấy Bác là một tấm gương lớn, là người cực kỳ vĩ đại, nhưng lại rất gần gũi với Nhân dân”.
Hôm ấy, các bạn trẻ Đoàn Thanh niên Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh đến viếng Bác Tôn và tham quan bảo tàng.
Khi trở ra, bạn Trang Thị Hồng Phượng (sinh năm 1990) xúc động: “Được tham quan, nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn, tôi cảm thấy rất kính phục và ngưỡng mộ Bác, khi trong hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn, Bác đã vượt lên, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Sống trong thời bình, tôi cảm thấy biết ơn và trân quý những gì ông cha ta đã gầy dựng, giữ gìn đến bây giờ”.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp triển khai, tổ chức nhiều hoạt động: hội thi tìm hiểu “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn”; khai mạc trưng bày “Thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng”; họp mặt kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng và kỷ niệm 30 năm thành lập bảo tàng, với sự tham dự của gia đình Bác Tôn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
|
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG