Niềm vui chiến thắng của Real Madrid sau khi loại Man City khỏi Champions League (ảnh: PA)
Champions League, đấu trường danh giá nhất cựu lục địa đã đồng loạt chứng kiến những cú ngã của Arsenal và Man City. Ngay sau đó, tới lượt Liverpool và West Ham bị đá văng khỏi Europa League. Sau các năm 2003 và 2015, đây mới là lần thứ 3 bóng đá Anh không còn đại diện tại châu Âu ở bán kết kể từ năm 2000. Một cú sốc với giới hâm mộ Premier League, giải đấu được xem là hấp dẫn nhất hành tinh, có lợi nhuận khủng khiếp nhất, và những ngôi sao sáng giá nhất với những bản hợp đồng siêu hạng. Lý do là gì, nếu như một giải đấu có sự đầu tư tỷ bảng Anh lại thất bại toàn diện ở châu Âu?
Không có gì phải bàn cãi nếu nói rằng Premier League là một cỗ máy thu tiền và cũng tiêu tiền ở vị trí thống trị châu lục. Đúng là những quy định của Luật cân bằng tài chính đã ngăn cản các đội bóng Anh chi tiêu mạnh tay hơn với chiến thuật “săn đầu người”. Nhưng những khoản chi của họ cũng chắc chắn khiến các đại gia như Bayern Munich, Real Madrid hay Barca phải ghen tỵ. Ngay cả những đội bóng tầm trung, dưới sự hậu thuẫn từ Trung Đông hay Tây Á, cũng sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu USD để đầu tư trong các kỳ chuyển nhượng. Thất bại ở mùa giải này với nhiều người chỉ là một tai nạn. Nhưng với những chuyên gia, sự phát triển nóng của các CLB Anh cũng đã khiến mọi đối thủ phải nghiên cứu để tìm ra các phương án khắc chế.
Trước hết, sự khắc nghiệt của giải Ngoại hạng Anh đã khiến các CLB hàng đầu bị đuối sức khi ra biển lớn. Những cuộc đấu cực kỳ căng thẳng trong cuộc đua vô địch đã khiến Arsenal, Liverpool hay cả Man Xanh tự hủy hoại sức lực trong lịch thi đấu dày đặc. Các Pháo thủ là những người thể hiện rõ nhất điều này. Trận hòa 2-2 trên sân nhà không phải là một thảm họa, nhưng tại Munich, các học trò của Mikel Arteta đã không còn là chính mình trước một đối thủ mạnh mẽ hơn, ít nhất là về mặt thể lực. Liverpool cũng vậy. Từ trận thua bạc nhược 0-3 trước Atalanta ở lượt đi, tất cả đều đã đoán trước được kết cục của thầy trò Klopp. Man City có chiều sâu đội hình tốt hơn, nhưng các học trò của Pep Guardiola cũng không phải là những cỗ máy để có thể cày ải ở mọi mặt trận với phong độ cao nhất. Trước Real, việc Pep phải thay hàng loạt các trụ ra khỏi sân trước hiệp phụ đã cho thấy điều đó.
Tiếp theo là vấn đề chiến thuật. Xu hướng kiểm soát bóng để pressing toàn sân của Premier League có vẻ đã bị các đối thủ ở châu Âu bắt bài. Người hâm mộ đã chứng kiến cách kiểm soát bóng đầy ấn tượng của Man City trước CLB Hoàng gia Tây Ban Nha và Arsenal trước “Hùm xám xứ Bavaria”. Tuy vậy, kết quả là như thế nào? Với cách đá lùi sâu, phòng ngự nhiều lớp, nhưng cũng sẵn sàng đâm những nhát dao chí mạng phản đòn, mọi thứ đều đã được Real và Bayern giải quyết nhanh gọn. Không phủ nhận Man Xanh đã đá cực tốt trong trận tứ kết lượt về Champions League, nhưng tính sát thương của họ, lợi thế sân nhà của họ vẫn không thể đủ chiến thắng về mặt lối chơi. 45 phút đầu tại Allianz Arena với Arsenal cũng thế. The Gunners cũng chơi tốt với nhịp độ và sự gắn kết đáng nể, nhưng tất cả dường như cũng đã nằm trong sự dự liệu của gã khổng lồ của nước Đức. Tấm gương phản chiếu với Liverpool và West Ham cũng y hệt. Khi người Anh trình diễn một lối chơi tương tự như nhau ở giải quốc nội, không hề khó để các chuyên gia ở cựu lục địa lập tức tìm ra phương án để ứng phó.
Vòng quay của trái bóng tròn vẫn sẽ tiếp tục, và không ai có thể nói trước được điều gì ở mùa giải năm sau. Nhưng với sự trỗi dậy của Italia, sự già dặn của Đức, Tây Ban Nha, hay tham vọng từ nước Pháp, Premier League chắc chắn sẽ phải dè chừng.
Theo Đảng Cộng Sản