Mít là loại trái cây mang nhiều lợi ích về sức khỏe. Vậy quả mít có tác dụng gì?
Quả mít có tác dụng gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp – khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long chỉ ra những tác dụng của quả mít như sau:
Cung cấp năng lượng: Mít chứa nhiều carbohydrates (chiếm 92% nguồn dinh dưỡng), đường fructose và sucrose nên có thể cung cấp năng lượng tức thời cho bạn hoạt động mỗi ngày. Một chén mít chứa khoảng 40 gm carbohydrates.
Phòng ngừa các bệnh về tuyến giáp: Thành phần của mít chứa nhiều đồng, khoáng chất giúp cơ thể bạn hấp thu, điều hòa và tổng hợp các hormon tuyến giáp, từ đó phòng ngừa bệnh về tuyến giáp hiệu quả.
Tăng cường sức đề kháng: vitamin C trong mít giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, mít còn có các loại đường đơn giản, có thể cải thiện hệ miễn dịch rất tốt.
Giảm huyết áp: Theo các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ, một chén mít có thể cung cấp cho bạn khoảng 14% nhu cầu kali hàng ngày. Hàm lượng kali cao trong mít giúp điều hòa huyết áp, phòng ngừa các bệnh về tim mạch rất hữu hiệu.
Tốt cho hệ tiêu hóa: Chất xơ và nước có trong mít có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa và điều trị táo bón. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều mít có thể cảm thấy khó tiêu.
Cải thiện chức năng thị giác: Những hợp chất chống oxy hóa trong mít như flavonoid và phenols giúp loại bỏ các gốc oxy tự do - nguyên nhân gây ra sự thoái hóa các tế bào võng mạc, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Mít có thể cung cấp khoảng 10% nhu cầu vitamin A hàng ngày cho cơ thể.
Chống ung thư: Mít chứa nhiều chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ các DNA của tế bào tránh bị thiệt hại trực tiếp, hoặc các đột biến gây ra do các gốc oxy tự do. Hơn nữa, mít còn giúp cho đại tràng loại bỏ tất cả các độc tố trong hệ tiêu hóa - yếu tố liên kết với việc tăng nguy cơ ung thư ruột kết.
Chữa bệnh thiếu máu: Mít rất giàu vitamin A, C, E, K cũng như axit folic, niacin và vitamin B6, ngoài ra cũng chứa mangan, magiê, đồng và sắt, rất cần thiết cho sự tổng hợp của các tế bào hồng cầu (RBC) và hemoglobin, từ đó giúp chữa trị và ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
Mít rất tốt cho sức khỏe
Cách ăn mít tốt nhất cho sức khỏe
- Chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm 1-2 tiếng, lưu ý không ăn khi bụng đói bởi ăn lúc đói sẽ khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu…
- Nên ăn với lượng vừa phải, với những người mắc bệnh mãn tính, chỉ nên ăn tối đa 80g (khoảng 3-4 múi mít/ngày).
- Nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Khi ăn cần nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối.
- Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn mít thì cần bổ sung đủ nước (2-2,5l/ngày) và rau xanh (200-300g/ngày).
- Người bị tiểu đường và gan nhiễm mỡ cần tuyệt đối kiêng mít.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Quả mít có tác dụng gì?" rồi phải không.
Theo VTC