Quan Chiêng mùa nước nổi

18/11/2023 - 20:11

Nằm ngay khu vực trong tâm, Quan Chiêng là bản du lịch cộng đồng đầu tiên và duy nhất ở thị xã Mường Lay. Mùa này, nơi đây tựa như bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Và càng hấp dẫn hơn với những trải nghiệm thú vị của miền sông nước.

Trải nghiệm mùa nước nổi…

Một ngày chớm đông se lạnh, chúng tôi ngược quốc lộ 12 về Mường Lay. Từ quốc lộ nhìn xuống, bản Quan Chiêng nằm ở vị trí trung tâm với dãy nhà sàn lợp mái đá đen mướt, nằm tựa lưng vào núi và soi bóng xuống mặt hồ xanh như ngọc bích. Ðó là bản du lịch cộng đồng đầu tiên và duy nhất đến nay ở thị xã ngã ba sông.

Ðêm đầu tiên ở Quan Chiêng, chúng tôi chọn nghỉ tại homestay của gia đình chị Lù Thị Toản, nằm ven hồ thủy điện. Chừng gần 4 giờ sáng, tiếng lạch cạch của những chiếc thuyền máy nhỏ đánh thức giấc ngủ của những vị khách xa nhà. Mở cánh cửa chính của căn nhà sàn thơm mùi gỗ, phóng tầm mắt ra phía trước chỉ thấy ánh sáng lập lòe của những chiếc đèn pin đeo trên đầu của một vài ngư dân. Sau lời gợi mở của chị Toản, chúng tôi quyết định lên thuyền tham gia trải nghiệm thu lưới tôm, cá. Chiếc thuyền nhiệt tình đón chúng tôi là của ông Lù Văn Ðại - bố chị Toản.

Sớm đông, mặt hồ tối đen như mực. Ông Ðại cho thuyền đi chừng 15 phút, đến điểm đầu thả lưới quen thuộc thì dừng lại. Ông bảo, vì lòng hồ ở đây nhiều năm nay đã 2 mùa nước lên - xuống quen thuộc, nên việc đánh bắt của bà con cũng được phân chia rất rõ ràng. Mỗi hộ một khu vực nhất định, chứ không có chuyện tranh chấp, giành giật của nhau. Thế nhưng, việc thu được nhiều hay ít lại phụ thuộc vào độ “sát cá” và kinh nghiệm của mỗi người.

“Chuyện đánh bắt con cá, con tôm tưởng đơn giản, nhưng phải có nghề. Thường ai hiểu được luồng lạch, dòng chảy của nước và tập quán của cá mới đánh bắt được nhiều. Bà con ở đây có 3 loại hình đánh bắt mà du khách có thể tham gia, đó là: Thả rọ, thường để bắt tôm; thả lưới bắt các loài cá lớn và câu. Mỗi loại hình có đặc điểm và mang lại trải nghiệm riêng, nhưng đa phần chỉ đi vào 2 thời điểm là cuối giờ chiều và rạng sáng. Vừa tránh mưa gió, rủi ro, đồng thời cũng ngắm trọn vẹn được vẻ đẹp của lòng hồ thời điểm bình minh và hoàng hôn” - ông Ðại kể.

Trong câu chuyện đầy cuốn hút của ông Ðại, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của những ngư dân “bán chuyên” ở đây khi mỗi mẻ lưới kéo lên từ lòng hồ lại đầy ắp tôm, cá tươi rói. Thậm chí, vài lần họ còn “săn” được các loài được mệnh danh “thủy quái” sông Ðà như: Cá Lăng, cá Chiên… Dạo một vòng chừng hơn 30 phút, ông Ðại tắt máy, con thuyền lạch tạch vài tiếng rồi lướt nhẹ trên mặt hồ, đưa chúng tôi dần đến gần một bờ eo. Những vỉa đá xám đen “gối” chồng lên nhau tăm tắp như được sắp đặt. Thấy khách ngạc nhiên, ông Ðại bảo: “Ðó là đá đen tự nhiên đấy. Người Thái khu vực này thường lấy về làm mái nhà. Vì thế, nghỉ trong các homestay ở đây lúc nào cũng mát như có điều hòa”.

Hơn 7 giờ, mặt trời mới bắt đầu ló rạng. Ban mai như kéo làn sương bay là là mặt nước tạo nên khung cảnh thật huyền ảo. Các thuyền lớn nhỏ túc tắc trở về. Trên mặt hồ thỉnh thoảng xuất hiện một “chợ cóc”. Gọi là chợ, nhưng thực chất đó chỉ là những “điểm dừng” của vài ba chiếc thuyền cá để trao đổi, mua bán và quan trọng là hỏi thăm nhau. Thời điểm này bắt đầu vào mùa nên những con tôm bụng căng tròn trứng. Chúng tôi quyết định mua một giỏ tôm để mang về chỗ nghỉ nhờ bà con chế biến. Trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, món tôm rang đỏ như gạch thì không đâu bằng Mường Lay.

Cộng đồng làm du lịch

Nhờ có vị trí đặc biệt, nằm ngay khu vực trung tâm phường Na Lay, lại bám lòng hồ, nên bản Quan Chiêng có “sức hút” với nhiều đoàn khách khi ghé thăm Mường Lay. Ðặc biệt là từ năm 2021, khi lượng khách về tham dự sự kiện Lễ hội Ðua thuyền đuôi én tăng đột biến, Quan Chiêng lúc ấy bất đắc dĩ trở thành “giải pháp tình thế” của thị xã để đón tiếp, làm nơi ăn chốn nghỉ cho nhiều đoàn khách. Ấy thế mà, chính sự mộc mạc, chất phác trong đời sống sinh hoạt, con người bản địa ở Quan Chiêng đã tạo được dấu ấn tốt đẹp. Kể từ đó, chính quyền địa phương bắt đầu định hướng, kết nối và hỗ trợ bà con ở đây phát triển du lịch cộng đồng.

Cả bản hiện có 49 hộ, 205 nhân khẩu. Khi lượng khách tăng cao, có nhu cầu, các gia đình đều sẵn sàng đón tiếp khách ăn, nghỉ, trải nghiệm. Tuy nhiên, duy trì thường xuyên thì chỉ có 6 hộ ven hồ. Vì đây là những hộ có “view” đẹp, mở mắt là có thể ngắm trọn vùng hồ. Việc làm du lịch ở Quan Chiêng cũng hết sức đặc biệt, mang tính cố kết cộng đồng rất cao. Theo ông Vàng Văn Vượng, Bí thư Chi bộ bản Quan Chiêng, bản sẽ thành lập riêng một tổ kiểm tra. Mỗi hộ trước khi nhận các đoàn khách đều phải được tổ này rà soát về công tác chuẩn bị, nơi ăn, chốn nghỉ để đảm bảo yêu cầu và phục vụ tốt nhất. “Ngoài ra, chúng tôi cũng có riêng 1 đội nấu ăn, 2 đội văn nghệ đều được đào tạo, tập huấn bài bản để phục vụ chung cho các khách đến nghỉ” - ông Vượng cho biết.

Ở Quan Chiêng, hiện nay cũng bắt đầu phát triển nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị dành cho du khách, gắn liền với văn hóa người Thái Mường Lay, như: Làm cá tép dầu, đan lát, gieo gặt lúa và không thể bỏ qua việc lên thuyền, rong ruổi cùng bà con đánh bắt tôm, cá. Ngoài nghề đan lát diễn ra thường xuyên, các nghề còn lại bà con chỉ làm theo mùa. Song phục vụ khách du lịch thường xuyên thì chủ yếu tập trung vào 4 hộ (ông Vàng Văn Vượng, Lò Văn Ðại, Lò Văn Thưởng, Vàng Văn Viễn). Ðây là những hộ có cả thuyền nhỏ thả lưới và thuyền lớn chở khách tham quan mặt hồ. Tuy nhiên, khách có nhu cầu phải đặt lịch sớm. Bởi, trước khi phục vụ khách, chủ thuyền phải kiểm tra và đảm bảo các yêu cầu, điều kiện an toàn cần thiết.

Sau một ngày trải nghiệm ở Quan Chiêng, đêm thứ 2 buông xuống, trong ngôi nhà sàn bập bùng ánh lửa của gia đình Bí thư Vượng, nghe câu chuyện về nguồn gốc những cuộc “dựng bản” của bà con ở đây lại càng trân quý hơn tình nghĩa đồng bào. Theo lời kể của ông Vượng, cái tên Quan Chiêng là cách gọi lái đi của từ “Quán Chiếng”. Theo nghĩa hiểu của người bản địa là “Quản lý một vùng đất rộng”.

“Xưa kia, những người Khơ Mú đầu tiên về đây vỡ đất, dựng nhà. Nhưng vì chỉ biết canh tác theo kiểu “chọc lỗ, tra hạt”, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên không đủ ăn. Một vài năm sau đó, các hộ người Thái về sinh sống cùng, rồi kết nghĩa anh em, bảo nhau đắp phai suối Nậm Cản, dẫn nước về bãi đất rộng để trồng lúa nước. Người Khơ Mú sau đó tiếp tục di cư về Mường Mươn, Nậm Nèn (nay thuộc Mường Chà). Kể từ đó, bãi đất rộng ấy được người Thái quản lý và đặt tên là “Quán Chiếng”. Bà con trải qua không ít thăng trầm, song vẫn đoàn kết, bảo ban nhau mở rộng sản xuất, gây dựng cuộc sống như ngày hôm nay” - ông Vượng kể.

Những câu chuyện cứ thế gối nhau trải dài suốt đêm mà không ai thấy mệt. Cho đến khi trở về thành phố, mỗi chúng tôi đều mang đậm nỗi nhớ vùng sông nước Mường Lay.

Theo HÀ LINH (Báo Điện Biên Phủ)