Quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19

26/12/2021 - 08:22

Việc quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát phát hiện sớm nhất là nhóm có nguy cơ cao để điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong là rất cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người cao tuổi ở Hà Nội. Ảnh: ÐỨC ANH

Việc quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát phát hiện sớm nhất là nhóm có nguy cơ cao để điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong là rất cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Hiện nay dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, mầm bệnh xuất hiện nhiều trong cộng đồng làm số người mắc vẫn cao (trung bình số ca nhiễm mới ghi nhận trong bảy ngày qua là hơn 16.041 ca/ngày), nhưng tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vắc-xin ở mức đạt miễn dịch cộng đồng, cho nên Bộ Y tế đang có những điều chỉnh cách ứng phó phù hợp. Theo đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc-xin và tập trung quản lý, bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao để ngăn chặn khả năng mắc cũng như giảm tử vong do COVID-19.

Nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong khi mắc COVID-19 là nhóm người hơn 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Thống kê của Bộ Y tế, 20 bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc COVID-19 gồm: Ðái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; ung thư (nhất là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; béo phì, thừa cân; bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); bệnh lý mạch máu não; hội chứng Down; HIV/AIDS; bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; hen phế quản; tăng huyết áp; thiếu hụt miễn dịch; bệnh gan; rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống; bệnh lý khác đối với trẻ em (tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải).

Khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn và có tư vấn, phối hợp của cán bộ chuyên khoa tương ứng với bệnh nền của người mắc COVID-19.

Ðối với các bệnh viện cần tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ để theo dõi sức khỏe, cách ly bảo đảm việc giảm thấp nhất nguy cơ mắc COVID-19 khi đến khám, chữa các bệnh thông thường. Ðồng thời, thường xuyên tổ chức các biện pháp phát hiện sớm người mắc bệnh không lây nhiễm (bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản...) để quản lý điều trị kịp thời. Hướng dẫn, tư vấn người mắc bệnh không lây nhiễm bảo đảm chế độ ăn uống, vận động thể lực, tuân thủ điều trị và tự chăm sóc, theo dõi tại nhà.

Theo PGS,TS Hồ Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội), do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đã khá cao, cho nên diễn biến lâm sàng của những người nhiễm COVID-19 khác rất nhiều so với trước đây khi phần lớn người nhiễm có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Qua số liệu của các cơ sở điều trị, phần lớn số người chết (trung bình 239 trường hợp/ngày trong bảy ngày qua) là thuộc nhóm nguy cơ cao. Do vậy các đối tượng nguy cơ như bệnh nền, người già, hệ miễn dịch suy yếu là đối tượng cần quan tâm đặc biệt để bảo vệ.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần chủ động rà soát, nắm chắc danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao tại địa phương mình quản lý; truyền thông, tư vấn về phòng, chống COVID-19; tiêm chủng vắc-xin; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc ngóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.

Các xã, phường, thị trấn cần tập trung rà soát, lập danh sách, thống kê người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ. Áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe, tình trạng tiêm chủng vắc- xin. Mặt khác triển khai các tổ Covid cộng đồng, tổ chăm sóc người mắc COVID-19 để theo dõi sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ cao...

Một nội dung cũng cần được các địa phương tập trung trong giai đoạn này là thông tin đầy đủ về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19; thuyết phục, động viên người thuộc nhóm nguy cơ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ. Có thể tổ chức tiêm lưu động đến tiêm tại nhà cho những người không di chuyển được; tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm bao phủ đủ mũi cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ. Tổ chức tiêm vét tại nhà cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người di chuyển khó khăn, hoàn thành trong tháng 12/2021. Ðáng chú ý, nhân viên y tế có thể "đi từng ngõ, gõ từng nhà", vận động tiêm vắc-xin để bảo vệ đối tượng nguy cơ trước dịch COVID-19.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn các xã, phường, thị trấn trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch của từng địa bàn (theo Quyết định số 4800/QÐ-BYT ngày 12/10/2021) thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người thuộc nhóm nguy cơ và người sống chung, người cùng gia đình; chủ động xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... 

Theo MINH HOÀNG (Báo Nhân Dân)