Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

21/10/2023 - 16:37

 - Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Khánh Hiệp, đến tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh có 1 di sản trong danh sách của UNESCO là đờn ca tài tử và 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; Hội đua bò Bảy Núi; tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer; Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn); nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam (TX. Tân Châu và huyện An Phú); nghệ thuật sân khấu Dì kê của người Khmer xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn); nghề dệt thổ cẩm của người Chăm (ở Châu Phong, TX. Tân Châu). Toàn tỉnh hiện có 4 Nghệ nhân nhân dân và 23 Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đang thực hành di sản trong cộng đồng.

Hội đua bò Bảy Núi. Ảnh: THANH HÙNG

Thời gian qua, tại các tỉnh có di sản được đưa vào danh sách của UNESCO và danh mục di sản quốc gia có hiện tượng vi phạm nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 21/7/2023, Bộ VH-TT&DL có Công văn 2973/BVHTTDL-DSVH về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trong công văn nêu rõ: “Những hiện tượng vi phạm quy định của pháp luật cũng như vi phạm nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản được UNESCO ghi danh và trong Danh mục quốc gia vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, có xu hướng gia tăng, thậm chí được thực hiện bởi một số Nghệ nhân ưu tú; tổ chức các hoạt động văn nghệ có diễn xướng hầu đồng không đúng bản chất và không gian thực hành của di sản thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt; xâm phạm một số tập tục, kiêng kỵ và làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Việc thực hành sai lệch di sản dẫn tới biến đổi giá trị di sản sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét thông qua Báo cáo định kỳ quốc gia mà Việt Nam phải đệ trình Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trường hợp nghiêm trọng có thể bị UNESCO xem xét, rút danh hiệu”.

Để tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu Sở VH-TT&DL và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo đúng Chương trình hành động quốc gia Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO (đối với di sản được đưa vào các Danh sách của UNESCO) và các biện pháp bảo vệ được ghi trong hồ sơ khoa học (đối với di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương;

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Cùng với đó, nâng cao nhận thức của nghệ nhân, người thực hành và cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Có biện pháp nhắc nhở và chấn chỉnh nghệ nhân, người thực hành, đặc biệt là nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước để không tham gia các hoạt động làm biến dạng, thực hành sai lệch di sản. Nghệ nhân cần nâng cao vai trò truyền dạy di sản và nêu gương trong thực hành đúng để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể.

Các sở, ngành, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, những hành vi làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, như: Thực hành di sản không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản; thay đổi, bổ sung các yếu tố mới và biểu diễn di sản mà không có sự đồng thuận của cộng đồng; đưa di sản ra trình diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản; lợi dụng danh hiệu di sản để tổ chức các sự kiện hội họp, giới thiệu, tập huấn về di sản mà không có sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng, không đúng với tinh thần Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa.

“Sở VH-TT&DL sẽ chủ động, quyết liệt hơn trong việc phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan, tiếp tục triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh” - Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.


MINH THƯ