Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước

04/04/2022 - 06:41

 - Những năm qua, biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai và sự thiếu hụt về nguồn nước đã và đang là những thách thức nghiêm trọng không chỉ đối với một địa phương, quốc gia mà là vấn đề mang tính toàn cầu. An Giang triển khai nhiều giải pháp ứng phó BĐKH, giảm thiểu và ngăn ngừa rủi ro thiên tai, trong đó có đảm bảo an ninh tài nguyên nước… đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022

An Giang nằm hạ nguồn lưu vực sông Mekong, là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất... đặc biệt việc thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt có xu hướng ngày càng tăng. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan, giông lốc, sạt lở, lũ lụt… mỗi năm gây thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.

Cùng với gia tăng dân số, tình trạng đô thị hóa kéo thêm sự suy thoái về môi trường, cộng với tác động của dịch bệnh COVID-19 đang làm phức tạp thêm những thách thức đang phải đối mặt. Dưới tác động của thời tiết khắc nghiệt, BĐKH đã trở thành tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên, trong đó có nguồn tài nguyên nước ngầm.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Hoàng Môn cho biết, chủ đề của Ngày Nước thế giới (“Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”), Ngày Khí tượng thế giới (“Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai”) và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 (“Kiến tạo Tương lai - Bây giờ hoặc không bao giờ”) có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, qua đó kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động kịp thời ngay từ bây giờ.

Đó là: Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm và trong ngắn hạn, dài hạn để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân; thúc đẩy quản lý, khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm nói riêng và tài nguyên nước nói chung vì sự sống của các thế hệ hôm nay và mai sau, lan tỏa sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tương lai bền vững.

An Giang là một trong những tỉnh của khu vực ĐBSCL phải chịu ảnh hưởng của thiên tai và BĐKH, hàng năm chúng ta phải chịu những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hay thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt… gây trở ngại đến sự phát triển. Được sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (trong đó đảm bảo cấp nước 100% cho sinh hoạt trong mọi trường hợp...); lập danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh; đánh giá khả năng chịu tải và giải pháp bảo vệ chất lượng nước các sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh; khoanh định công bố vùng hạn chế và vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh…

Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang phát động và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đoàn thể tích cực hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, theo điều kiện thực tế địa phương, cụ thể: Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên nước (trám lấp giếng không sử dụng, tác hại của việc sử dụng nước dưới đất ô nhiễm Arsen ảnh hưởng đến sức khỏe...), khai thác hiệu quả tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về BĐKH vào kế hoạch phát triển địa phương. Đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh tại các trường học, bệnh viện, khu vực công cộng, nhà máy.

Có hành động thiết thực tích cực khôi phục sông, kênh, rạch và ao, hồ bị suy thoái, ô nhiễm. Không lấn chiếm sông, kênh rạch, ao, hồ và vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ trữ nước và hệ thống thoát nước. Sử dụng nước một cách thông minh, tiết kiệm; tích cực khôi phục những dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm; làm tăng trở lại nguồn nước ngầm bị suy giảm… là những việc cần làm để góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước và sinh kế dựa vào nguồn nước. 

*Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu, tiếp tục huy động nguồn lực nghiên cứu, đầu tư các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, dự án nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, BĐKH; gia tăng giá trị sử dụng tài nguyên nước trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp... góp phần phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức, hành động thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 10-CT/TW, ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.   

*Mỗi người cùng hành động bảo vệ nguồn nước từ những việc nhỏ nhất, như: Giảm thiểu rác thải nhựa, không đổ dầu ăn đã qua sử dụng trực tiếp vào bồn rửa, tái chế dầu ăn làm xà bông, tận dụng sản phẩm có thể tái chế, hướng đến nông nghiệp xanh, tiết kiệm nguồn nước sạch, phân loại và xử lý đúng cách các loại rác thải sinh hoạt...

HỮU HUYNH