Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Văn Tuấn, 78 em được chọn tham gia trại hè tại tỉnh Lâm Đồng là những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, phải vừa học, vừa làm kiếm sống và phụ giúp gia đình. Ngoài học sinh thuộc Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh, các em còn lại thuộc hộ nghèo, cận nghèo thuộc các địa phương: Châu Thành, Thoại Sơn, Phú Tân, Tịnh Biên, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên. Trong trại hè, các em được huấn luyện kỹ năng kết hợp tham quan, du lịch, giáo dục truyền thống lịch sử. Còn tại Lâm viên núi Cấm, trong 3 ngày, 90 trẻ em có nguy cơ lao động sớm thuộc 3 huyện: Chợ Mới, An Phú, Châu Phú và TP. Châu Đốc được truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, tham gia thi vẽ tranh, sáng tác thơ và diễn tiểu phẩm.
Trại hè dành cho 90 trẻ em có nguy cơ lao động sớm tại Lâm viên Núi Cấm
Các em được tìm hiểu về lao động trẻ em thông qua trả lời câu hỏi và các trò chơi; thực hành kỹ năng sống, tham gia các trò chơi dân gian, năng khiếu và tham quan khu du lịch. Trại hè giúp trẻ em hoàn cảnh khó khăn có được sân chơi lành mạnh, bổ ích, biểu dương tinh thần vượt khó trong học tập và cuộc sống. Đồng thời, tạo điều kiện cho các em giao lưu, học hỏi, có cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình. Qua đó, kêu gọi các cấp, ngành và toàn xã hội thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là giúp trẻ em hoàn cảnh đặc biệt biết được các kỹ năng phòng, chống lao động sớm, xâm hại trẻ em… và có thể trở thành “tuyên truyền viên” trong lĩnh vực này tại nơi các em sống. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa dành cho các em trong mùa hè.
Dự án tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam (gọi tắt là dự án ENHANCE) được triển khai tại An Giang từ năm 2016. Dự án góp phần thực hiện thành công chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam và kế hoạch hành động phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Đến hết tháng 12-2018, đã có hồ sơ của 2.100 trẻ tại An Giang trên hệ thống DBMR (vượt kế hoạch so với số lượng phân bổ ban đầu là 2.000 trẻ). Số trẻ này được duyệt theo các tiêu chí và đủ điều kiện nhận các hỗ trợ từ dự án, cụ thể: Chợ Mới 978 trẻ, TP. Châu Đốc 309 trẻ, Châu Phú 405 trẻ, An Phú 425 trẻ. ILO hỗ trợ giáo dục như: sách vở, quần áo đồng phục, bàn ghế, bảo hiểm y tế, cặp, giày… cho các em. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ban, ngành liên quan hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em về học nghề, tư vấn việc làm; hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình. Trong đó, hoạt động nổi bật là phương pháp Scream (trại hè với chuỗi hoạt động truyền thông và huấn luyện kỹ năng) tại 9 xã dự án, góp phần nâng cao nhận thức tại cộng đồng.
Theo đánh giá từ Sở LĐ-TB&XH, sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia từ ILO và các cơ quan tổ chức trung ương giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện, xã đã tạo điều kiện hỗ trợ trong công tác bảo vệ trẻ em, nhất là đối với trẻ em lao động sớm tại địa bàn. Trẻ em và cha mẹ trẻ trên địa bàn dự án được hưởng lợi trực tiếp. Hoạt động dự án ENHANCE trong những năm qua đã được triển khai đúng hướng và đạt một số kết quả khả quan. Trong đó, tập trung vào truyền thông, vận động xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng và các ban, ngành về công tác bảo vệ trẻ em.
MỸ HẠNH