Tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho "FSRU Independence" tại cảng kho chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng Klaipeda. Ảnh: Politico.eu
12 năm trước, chính trị gia, cựu Bộ trưởng Giao thông và Thông tin liên lạc Litva Rokas Masiulis được giao nhiệm vụ mới với mục tiêu đầy tham vọng: Chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Trên cương vị là người đứng đầu Klaipėdos Nafta, công ty điều hành cảng dầu do nhà nước kiểm soát, ông Masiulis thực hiện giám sát việc vận hành và đưa vào phục vụ một trạm nổi LNG ngoài khơi bờ biển Baltic của Litva.
Trạm khí này, được đặt tên là "Independence" (Độc lập), đi vào hoạt động năm 2014 - được xây dựng để đảm bảo người tiêu dùng Litva vẫn có thể nhận được khí đốt ngay cả khi mối quan hệ chính trị với Nga trở nên xấu đi đến mức nguồn cung cấp từ Moskva bị cắt đứt.
Đầu tháng này, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, Chính phủ Litva tuyên bố rằng họ đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ngừng mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga. Trạm chứa khí đốt trên đã chứng tỏ giá trị của nó và nguồn cung cấp khí đốt của Litva vẫn ổn định.
“Tôi rất hào hứng với dự án Independence khi chúng tôi bắt tay vào thực hiện, nhưng tôi không thể tưởng tượng được rằng đến nay dự án có vai trò to lớn đến mức nào”, ông Masiulis nói.
Về phần mình, Tổng thống Litva Gitanas Nausėda lưu ý: "Nhiều năm trước, Litva đã đưa ra quyết định mà ngày nay cho phép chúng tôi ngừng mối quan hệ năng lượng với Nga một cách dễ dàng. Nếu Litva làm được, phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm được!". Tổng thống Nausėda cũng thông báo nước này sẽ ngừng mua dầu của Nga.
Việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho phương Tây là một thách thức quan trọng mà các nhà lãnh đạo châu Âu phải đối mặt khi họ đưa ra phản ứng của mình trước cuộc xung đột ở Ukraine.
Với dự án Độc lập của Litva, một hệ thống được gọi là Đơn vị Điều chỉnh Kho lưu trữ Nổi, hay FSRU, có thể là một nghiên cứu điển hình hữu ích cho những nước khác đang tìm cách "xoay trục" khỏi khí đốt của Nga.
Hệ thống FSRU được xây dựng tương đối nhanh chóng, thời gian triển khai dự án ước tính từ một đến ba năm, và thường yêu cầu ít giấy phép quy hoạch hơn so với quy trình tương đương trên đất liền. Chúng có thể được di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Quan trọng hơn, FSRU cũng cho phép một quốc gia lựa chọn nguồn cung cấp LNG của họ: Litva hiện đang nhận cung cấp phần lớn LNG từ Na Uy, Mỹ và Qatar.
Zongqiang Luo, nhà phân tích thị trường khí đốt của công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Na Uy, cho biết dự án FSRU được coi là giải pháp tốt cho các quốc gia nhỏ hơn như Litva, nơi tiêu thụ khoảng 2 tỷ mét khối (bcm) đến 3 bcm khí mỗi năm. Litva nhận khoảng 1/4 lượng khí đốt từ Nga vào năm ngoái.
Đối với một quốc gia như Đức, nhu cầu khoảng 90 bcm mỗi năm, một hệ thống như vậy vẫn có thể hữu ích như một phần của một loạt các giải pháp, bao gồm cả đường ống dẫn khí đốt từ các mỏ khí đốt của Na Uy và Hà Lan, cũng như các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Italy, Hà Lan và Estonia cho biết họ đang xem xét mô hình dự án của FSRU, trong khi Berlin đang lên kế hoạch phát triển ba đơn vị FSRU để cung cấp 27 bcm khí mỗi năm.
Theo CÔNG THUẬN (Báo Tin Tức)