Quốc tế lo ngại căng thẳng quân sự chưa từng có giữa Israel và Iran

11/05/2018 - 16:16

Căng thẳng giữa Israel và Iran đã không còn dừng lại ở ngôn từ nữa, mà những ngày qua đã leo thang trên mặt trận quân sự.

Lần đầu tiên, các tên lửa được cho là do Iran trực tiếp bắn đi từ lãnh thổ Syria nhằm vào các mục tiêu ở phía Bắc Israel và nước này ngay lập tức đáp trả, với quy mô cũng được cho là chưa từng có. Trong bối cảnh chính quyền Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, dư luận khu vực và quốc tế lo ngại những diễn biến mới này có thể gây chia rẽ hơn nữa Trung Đông - một khu vực vốn đã phải đối mặt với quá nhiều khủng hoảng và xung đột.

Căng thẳng giữa Israel và Iran đã không còn dừng lại ở ngôn từ nữa, mà những ngày qua đã leo thang trên mặt trận quân sự. Ảnh: CNN

Rạng sáng 10-5, Quân đội Israel đã không kích các mục tiêu được xác định là của Iran tại quốc gia láng giềng Syria, khẳng định là nhằm đáp trả các vụ bắn rocket trước đó của Iran nhằm vào khu vực cao nguyên Golan do nước này kiểm soát. Nếu được hai bên xác nhận, thì những vụ bắn rocket này sẽ là vụ tấn công trực tiếp đầu tiên mà Iran tiến hành nhằm vào các vị trí của Israel trong cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai nước. Trong khi đó, hành động đáp trả của Israel cũng mang quy mô chưa từng có tại Syria kể từ khi cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này bùng phát năm 2011.

Đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Iran đã “vượt qua giới hạn đỏ” và phản ứng của Israel là tất yếu khi tiến hành một vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu của Iran tại Syria. Theo ông, Israel không tìm cách “châm lửa”, song luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản: “Iran đã vượt qua giới hạn đỏ, câu trả lời của chúng tôi là phù hợp. Tôi cũng đã gửi một thông điệp rõ ràng tới chính quyền Syria, đó là hành động của chúng tôi là nhằm vào các mục tiêu của Iran tại Syria, song nếu quân đội Syria hành động chống lại Israel, chúng tôi cũng sẽ có phản ứng tương tự”.

Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, Iran không muốn “những căng thẳng mới” tại Trung Đông, mà ngược lại luôn tìm kiếm cách thức nhằm giảm căng thẳng.

Trong bối cảnh tình hình Trung Đông bất ổn và những căng thẳng khu vực liên quan quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 10-5 yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi thù địch nhằm tránh một sự leo thang căng thẳng mới”.

Liên minh châu Âu cùng ngày kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trước tình hình leo thang cực kỳ đáng lo ngại như hiện nay. Pháp, Anh và Nga cũng ngày cũng bày tỏ lo ngại.  

Tổng thống Pháp Emmanuel Macon cho biết: “Châu Âu cần phải giải quyết 2 vấn đề. Trước tiên đó là giữ ổn định và tránh căng thẳng. Theo đó, chúng ta đề nghị Iran tiếp tục thỏa thuận hạt nhân. Cũng có nguy cơ căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel. Cần phải tránh những đối đầu này. Thông điệp tôi gửi tới nhà lãnh đạo Iran cũng như với Israel và Nga rằng, cần phải chia sẻ mục tiêu: ổn định trong ngắn hạn và tránh leo thang căng thẳng”.

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, tình hình leo thang những giờ qua cho thấy khoảng cách mong manh giữa chiến tranh và hòa bình.

Trên thực tế, những tháng vừa qua, Israel đã tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào các vị trí của Quân đội Syria, phong trào vũ trang Hezbollah và ngày càng nhiều nhằm vào các lực lượng Iran tại Syria. Căng thẳng dường như xuất phát từ những tranh cãi liên quan vấn đề hạt nhân Iran. Luôn bị ám ảnh bởi mối đe dọa Iran, Israel cho rằng, sớm hay muộn nước này cũng sẽ trở thành mục tiêu của một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ nhiều tháng nay đã mở một chiến dịch nhằm chống lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thuộc Quốc hội Iran Allaeddine Boroujerdi đang ở thăm Bồ Đào Nha ngày 10/5 cho rằng, mục đích chính của Israel khi thực hiện những vụ tấn công được Mỹ hậu thuận này là nhằm thu hút sự chú ý của công luận, hợp lý hóa quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, vấn đề không chỉ có vậy. Diễn biến những ngày qua cho thấy, cuộc đối đầu giữa Israel và Iran tại Syria đã leo lên một nấc thang mới. Sau một loạt quyết định gây tranh cãi vừa qua, Mỹ đã tự đánh mất vai trò trong các tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Thay vào đó, Nga, một quốc gia cũng giống Iran ủng hộ chính quyền Tổng thống Basar al-Assad, song lại có quan hệ với cả Iran và Israel sẽ đóng vai trò quyết định./.

Theo THU HOÀI (VOV)