Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg (giữa, hàng đầu) chụp ảnh chung với nguyên thủ các quốc gia thành viên NATO tại Hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius, Litva, ngày 11/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong phiên làm việc đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Vilnius, các nhà lãnh đạo liên minh quân sự này đã nhất trí quyết định đưa Ukraine đến gần hơn với NATO, đồng thời củng cố khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của liên minh.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các nhà lãnh đạo NATO nhất trí với gói biện pháp gồm ba yếu tố giúp Ukraine gia nhập NATO, gồm một chương trình hỗ trợ mới kéo dài nhiều năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của lực lượng vũ trang Ukraine sang các tiêu chuẩn của NATO, giúp xây dựng lại lĩnh vực an ninh và quốc phòng của Ukraine, đáp ứng các nhu cầu quan trọng như nhiên liệu, thiết bị rà phá bom mìn và vật tư y tế.
Các nhà lãnh đạo NATO cũng thống nhất thành lập Hội đồng NATO-Ukraine mới trong ngày 12/7.
Phát biểu với báo giới, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh đây là một gói biện pháp mạnh với Ukraine và là con đường rõ ràng hướng tới tư cách thành viên của Kiev trong NATO.
Ông Stoltenberg cũng cho biết các nước đồng minh đã thông qua các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn và bảo vệ, trong tất cả lĩnh vực từ không gian, mạng, trên bộ, trên biển và trên không.
Theo đó, một lực lượng mới gồm 300.000 binh sĩ luôn ở trạng thái sẵn sàng cao, có thể được triển khai trên không và hải quân.
Bên cạnh đó, NATO cũng phê duyệt Kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng mới để đẩy nhanh việc mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác của các thành viên NATO.
Theo kế hoạch, trong ngày 12/7, lãnh đạo các nước NATO sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo của Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, cũng như Liên minh châu Âu (EU).
Theo TTXVN