Việc Bộ Chính trị mới đây ban hành Quy định 131-QĐ/TW tiếp tục cho thấy, Đảng không chỉ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ chế độ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảng còn đang quyết liệt bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, sự minh bạch của hệ thống công quyền và củng cố niềm tin, sự ủng hộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên nhiều mặt trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước.
Tháng 3/2019, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng phòng Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng được giao làm Trưởng đoàn Thanh tra Bộ này tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Biết rõ đối tượng thanh tra theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường, không phải các xã, thị trấn và không được thanh tra đối với các dự án công trình do cấp xã làm chủ đầu tư nhưng với mục đích trục lợi, Kim Anh đã điện thoại cho một số cán bộ của huyện yêu cầu tổng hợp, báo cáo toàn bộ các dự án công trình xây dựng do 29 xã, thị trấn làm chủ đầu tư từ năm 2013 - 2018.
Vừa che giấu việc thanh tra vượt thẩm quyền, phạm vi ngoài công vụ của mình, Kim Anh và những người trong đoàn vừa nêu ra nhiều vi phạm của các chủ đầu tư và doanh nghiệp. Các nhà thầu đã tìm gặp đoàn thanh tra để bổ sung hồ sơ, giải trình về các lỗi vi phạm. Không được chấp nhận, họ buộc phải đề nghị Trưởng đoàn thanh tra “bỏ qua hoặc giảm nhẹ” các lỗi vi phạm. Lúc này, Kim Anh mới yêu cầu các nhà thầu này phải đưa tiền cho đoàn thanh tra để “mắt nhắm, mắt mở”.
Từ cuối tháng 5/2019 đến ngày 12/6/2019, đoàn của Kim Anh nhận hơn 2 tỷ đồng của các doanh nghiệp, chủ đầu tư từ hoạt động thanh tra tại huyện Vĩnh Tường. Trong đó, riêng Kim Anh chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng.
Vụ việc bị Cơ quan công an phát hiện, điều tra và truy tố. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên Nguyễn Thị Kim Anh 15 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản. Các đồng phạm khác của Kim Anh cũng nhận các mức án nghiêm khắc.
Lùm xùm trên chỉ là một trong nhiều tai tiếng liên quan đến một bộ phận cán bộ làm nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra nhưng đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, vượt thẩm quyền, cố tình sai phạm nhằm trục lợi.
Thực tế cho thấy, các hành vi như: dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm; bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, nhận quà để làm giảm mức độ sai phạm; cố tình làm trái các quy định pháp luật, bỏ lọt vi phạm, làm sai lệch hồ sơ… đã được phát hiện và xử lý trong thời gian qua. Gần đây là tháng 5/2023, Công an tỉnh Lai Châu trong quá trình mở rộng điều tra vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra tỉnh Lai Châu và các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn, đã bắt Nguyễn Thanh Trì, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh do nhận hối lộ của nhiều trưởng ban quản lý rừng phòng hộ các huyện trên địa bàn, nhằm bỏ qua các lỗi vi phạm.
Ngày 28/7, Ban Bí thư đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với Nguyễn Thanh Trì.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thanh Trì (áo sẫm màu). Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Đáng lo ngại, những tồn tại, hạn chế, sơ hở liên quan đến công tác thanh tra, kiểm toán dường như ngày càng phức tạp hơn. Mới đây, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường đã phải đề nghị ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thực tế hoạt động thanh tra và kiểm toán mang tính nhạy cảm. Kiểm toán Nhà nước là công việc kiểm tra, đánh giá, kết luận và xác nhận tính đầy đủ, hợp lý, hợp pháp của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước. Hoạt động thanh tra có mục đích chủ yếu là phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, tiêu cực dễ xảy ra trong hoạt động của những người làm công tác thanh tra, kiểm toán ở hai cơ quan - vốn được coi là cần phải trong sạch và liêm chính nhất, từ nhiều nội dung, nhiều khâu công tác khác nhau. Bản thân các thanh tra viên và kiểm toán viên cũng thường xuyên phải đối mặt với cám dỗ, tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cho nên vấn đề đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động này cần được đặc biệt coi trọng!
Cũng bởi tính chất nhạy cảm, dư luận từ nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp rất trăn trở, mong đợi Đảng, Nhà nước có những quy định chặt chẽ hơn nữa để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Phải làm sao để những người làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán ở hai cơ quan này đảm bảo “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”, hiểu biết kiến thức pháp luật về tố tụng, hình sự, dân sự. Đồng thời, phải nghiêm trị bất kỳ cán bộ, công chức nào dám bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, vượt thẩm quyền, cố tình sai phạm nhằm mục đích trục lợi.
Chính vì vậy, dư luận đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 131-QĐ/TW. Dư luận đều hiểu rằng, Quy định này là quyết tâm tiếp tục làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ chế độ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quy định này là hành động quyết liệt của Đảng trong việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và bịt lại những kẽ hở trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Đồng tình với các nội dung trong Quy định 131-QĐ/TW, đông đảo các tầng lớp nhân dân, đảng viên, nhân sỹ, trí thức và đặc biệt là doanh nghiệp cho rằng: Khi “nhận diện” 21 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng đã rất sáng suốt nêu rõ sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi: “Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác”; “Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đối tượng kiểm tra, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác”.
Nêu quan điểm cá nhân về quy định này của Bộ Chính trị, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Những lĩnh vực như kiểm toán, thanh tra chuyên ngành như thuế, hải quan, ngân hàng, xây dựng… rất nhạy cảm, nếu làm không đến nơi đến chốn sẽ không có kết quả tích cực, thậm chí để lọt những việc tiêu cực.
Vì vậy, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm toán là quyết định hoàn toàn chính xác của Bộ Chính trị theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Bộ Chính trị ban hành Quy định 131-QĐ/TW là sự khẳng định tính dân chủ, khách quan, khoa học và minh bạch của công tác chống tham nhũng, hướng tới mục tiêu cuối cùng là góp phần làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy. Quyết định này cũng thể hiện sự sáng suốt, lắng nghe ý kiến của người dân, của chính Bộ Chính trị, của hệ thống chính trị, của các cơ quan nhà nước.
“Đó là sự thể hiện tính minh bạch, không có vùng cấm, không có vùng đặc biệt nào. Tất cả các lĩnh vực đều phải được giám sát để phòng, chống tham nhũng. Tinh thần đó cũng thể hiện một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, của Nhà nước pháp quyền. Đó là cơ sở để bảo đảm con đường đi tới thành công trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đó là thời kỳ mà chúng ta đang nuôi dưỡng, đang nỗ lực thực hiện khát vọng trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đấy là điều rất đáng mừng”, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Theo TTXVN