Bìa cuốn sách "Hai bên chiến tuyến" vừa được ra mắt độc giả.
Sách gồm nhiều câu chuyện về thời chiến, ở đó do hoàn cảnh đưa đẩy những gia đình có anh em, bà con ruột thịt, hàng xóm, bạn bè tham gia chiến trận ở hai chiến tuyến đối đầu. Đây là nỗi đau lẫn ám ảnh của đời người khi những gia đình bị tan nát, xáo trộn bởi lằn ranh chiến tuyến, tác động đến cuộc sống và tình cảm của họ. Đến cuối cùng trong ngày trở về, họ không trọn vẹn và đó lại là một điều “bình thường” của nhiều gia đình Việt Nam trong thời chiến.
Hoặc có thể may mắn hơn, khi người trở về có nước mắt của ngày sum họp hay nước mắt có thể là không bao giờ được gặp lại người thân sau 10 năm, 20 năm chờ đợi... Điển hình như câu chuyện của hai anh em Long và Phụng, khi hai anh em ở hai bên chiến tuyến, mặc dù họ rất thương yêu nhau nhưng đã đi lính ở hai phía đối lập. Khi đó, dù ai thắng hay thua thì người ở phía đối diện vẫn phải chịu nỗi đau và sợ hãi giằng xé trong lòng, hai anh chỉ cầu cho nhau hai chữ "bình an".
Ngoài những câu chuyện buồn thì tác giả Từ Nguyên Thạch cũng an ủi độc giả bằng câu chuyện kết thúc có hậu như: Đá nở hoa, Mùi củ cải trắng, Đôi nạng gỗ đi qua thành phố... Đây là những câu chuyện mang thêm hy vọng để người dân trong thời chiến có thể sống tiếp. Đặc biệt, trong tác phẩm "Hai bên chiến tuyến" còn có những câu chuyện thật làm rung động lòng người và để người đọc hiểu hơn về cuộc chiến đã qua. Ví dụ như câu chuyện của viên thiếu úy Vinh im lặng để che giấu người du kích tên Phú đang trốn dưới hầm (trong truyện ngắn Câu chuyện dưới hầm) để rồi sau ngày hòa bình, người chịu ơn còn nuôi giấc mơ gặp ân nhân để nói lời cảm ơn.
Cuốn sách "Hai bên chiến tuyến" dày hơn 200 trang với 13 truyện ngắn và ký, tác phẩm này gói ghém tình cảm của Từ Nguyên Thạch như lời an ủi tận đáy lòng: “… khi nước mắt rơi cần lắm một chiếc khăn lau. Văn tôi xin được làm chiếc khăn lau. Để không còn nước mắt trên gương mặt, để vén nụ cười vừa hé. Và như bạn thấy, phía sau nước mắt, nụ cười là ước mơ vươn lên một cuộc sống tươi đẹp. Thường sau một cuộc binh đao, người xưa thường viết những bài văn tế giải oan và cầu siêu cho những người mất. Đồng thời, để lòng người sống không còn khổ đau mà thanh thản với hiện tại, để nối vòng tay mà cùng bước tới”.
Theo HOÀNG TUYẾT (Báo Tin Tức)