Ráng chiều ở “vương quốc cò”

17/12/2022 - 09:50

 - Chúng tôi đến vườn cò Bằng Lăng (phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) vào thời điểm hoàng hôn dần buông. Cũng nhờ vậy, chúng tôi mới cảm nhận sâu sắc thế nào là “Chim bay về tổ”. Khoảnh khắc ấy bình yên đến lạ!

Thời gian ngắm cảnh vườn cò đẹp nhất vào lúc 17 giờ. Chủ vườn cò thiết kế cái tháp cao vài mét, để khách tham quan phóng tầm mắt thoáng đãng phía chân trời, đón đàn cò “phong trần” phương xa về tổ. Chúng hạ cánh ngược hướng gió, buông tiếng gọi bầy, gọi sự chú ý của mọi người.

Vườn cò thuộc sở hữu của ông Nguyễn Ngọc Thuyền (sinh năm 1930). Vô tình, năm 1983, những đàn cò tấp nập bay về với ông, như mối duyên lành giữa người và cò. Ông và con cháu mở rộng vườn, được quy hoạch phát triển du lịch sinh thái trên vùng đất 16.500m2.

Không ai đếm xuể số lượng cò tới lui nhộn nhịp mỗi ngày. Nhưng họ ước lượng, trên dưới 300.000 con! Phổ biến nhất là loại cò nhỏ vài trăm gram (cò ngà mỏ vàng, cò quắm, cò cá mỏ đen…)

Lớn hơn một chút thì có cò ma, cò rằn, cò xanh, cò ruồi mỏ vàng… Mỗi đàn đông tới hàng ngàn đến hàng chục ngàn con.

Kích thước lớn hơn nữa thì có còng cọc đen tuyền chân vịt, bạc má, còng cọc chân thấp mỏ dài, vạc lông rằn, diệc mốc, diệc lửa…

Vườn của người xưa, sau mấy mươi năm dần trở thành tổ ấm của đàn cò. Chúng để lại dấu ấn sâu đậm của đời mình trên từng lá cây, bãi đất, như một cách khẳng định “chủ quyền”.

Vì thế, lời khuyên của chúng tôi dành cho khách tham quan là nên đội nón, che chắn kỹ lưỡng khi tham quan vườn, nếu không muốn nhận “món quà bất ngờ” từ đàn cò.

Khắp nơi trong vườn, cũng là dấu tích sự sống của cò. Những sợi lông trắng tinh vương trên ngọn tre, ngọn cỏ, rải trắng dọc đường đi, minh chứng cho sự đông đúc của “vương quốc cò”.

Nắng đã tắt, khách tham quan dần ra về. Không gian im ắng, thuộc về mình, nên từng chú cò nhở nhơ đi bộ, sắc trắng nổi bật hút mắt người nhìn.

Không đi bộ thì đàn cò rủ nhau đậu trắng ngọn cây, ầm ĩ sinh sống. Chủ vườn dặn chúng tôi, đừng đi sâu vào vườn. Có bóng dáng người, cò dù dạn dĩ cỡ nào cũng vội vã đập cánh trốn.

Chán ngắm cò, du khách có thể ngắm cá thể sếu biển duy nhất trong vườn. Cách đây 6 năm, chàng ta lạc vào vườn cò mình ên. Mọi người thấy tội, đem chú về nuôi trong chuồng, mỗi ngày cho ăn cá tươi.

Lúc mới về đây, chú sếu biển chỉ nặng 1,9kg. Nay, chú đã gần 5kg. Tuổi thọ của loài này khá cao, có thể lên đến 30 năm.

Chiều muộn, đoàn học sinh tỉnh Quảng Ngãi ghé tham quan vườn cò, sau khi tham dự một hội thi ở TP. Cần Thơ. Các em được trải nghiệm không gian đặc sệt miệt vườn Nam Bộ, hòa cùng thiên nhiên kỳ thú chưa từng thấy bao giờ.-

Thầy Lê Tấn Dũng (đội nón) cùng học sinh ghi lại khoảnh khắc trong vườn cò. Họ tìm đến đây từ thông tin trên mạng xã hội, với tâm lý nửa tin nửa ngờ. Quả thật, cò nhiều vô kể, mà chẳng rõ vì sao chúng lại chọn vùng đất lành này!

Bé Bảo Vy (2 tuổi) líu ríu kể chuyện cò bằng giọng đơn đớt cho chúng tôi nghe. Sống gần vườn cò, cô bé như một hướng dẫn viên lành nghề, đem tất cả đáng yêu, thơ ngây gửi cho khách phương xa. Để rồi, họ sẽ nhớ mãi đất và người nơi đây, như đàn cò đã quyến luyến mấy mươi năm về trước…

KHÁNH ĐĂNG