Lựa chọn chủ đề du lịch (DL) “An Giang non nước hữu tình”, các giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trường Tiểu học Lê Quý Đôn phối hợp cán bộ Thư viện tỉnh tổ chức buổi học ngoại khóa ngay tại thư viện. Các em được giới thiệu về sách viết về DL hiện có tại thư viện, được hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm thông tin, tài liệu viết về những điểm đến, đặc trưng, đặc sản, văn hóa bản địa, được xem clip về các điểm DL trọng tâm hiện nay. Đặc biệt, các em còn có cơ hội hóa thân thành hướng dẫn viên DL bằng cách thuyết minh tuyến, điểm DL.
Để làm được bài tập đó, giáo viên đã gợi ý các em tìm đọc những quyển sách viết về DL, sưu tầm, ghi chép và hệ thống kiến thức để trở thành 1 bài thuyết trình hoàn chỉnh. Đó chính là cách để các em tăng thêm hứng thú, hiểu được lợi ích của sách trong học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tế, ngành nghề khi trưởng thành.
Đồng tình với cách làm trên, chị Dương Thị Phương Tuyền, phụ huynh em Phạm Khánh Ngọc (lớp 4D, Trường Tiểu học Nguyễn Du) chia sẻ: “cháu rất chăm chỉ đọc sách, soạn bài để là hướng dẫn viên DL, tôi thấy thật hay. Tuy là hoạt động ngoại khóa, là những kiến thức bên ngoài chương trình học nhưng thật bổ ích. Các hoạt động đã cho con trải nghiệm môi trường học tập mới, sinh động hơn, cho con biết để thực hiện ước mơ làm nghề gì khi trưởng thành cần có sự đầu tư, bồi dưỡng kiến thức nền tảng ngay từ nhỏ thông qua sách vở, hoạt động thực tế thì sau này mới không bỡ ngỡ”.
Thích thú với hoạt động ngoại khóa, bạn Nguyễn Hồng Lam Nguyên (lớp 4D, Trường Tiểu học Nguyễn Du) chia sẻ: “Thỉnh thoảng ba mẹ em chở em qua lại thư viện tỉnh nhưng em không để ý và cũng không biết bên trong có nhiều loại sách như: sách dành cho thiếu nhi, truyện tranh, sách bồi dưỡng kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, sách chuyên đề, mẹo vặt trong đời sống…”.
Sách là người bạn, người thầy của biết bao thế hệ, là vật "gối đầu giường" của biết bao văn sĩ, tri thức. Thế nhưng, với sự phát triển của khoa học công nghệ, sách giấy ngày càng phai nhạt vai trò, dần bị lãng quên và dễ dàng bị thay thế bằng những hoạt động sinh động, hấp dẫn hơn. Việc xây dựng văn hóa đọc đến từ nhiều năm nay đã từng bước len lỏi vào cuộc sống, đến nay hiệu quả của phong trào càng biểu hiện rõ thông qua những cảm nhận về sách của các em thiếu nhi.
“Em rất thích đọc sách giấy thay vì lang thang trên mạng đến không kiểm soát mình, sa đà vào quá nhiều chương trình giải trí. Ngoài tìm hiểu thêm những kiến thức mở rộng phục vụ chương trình học trên lớp, em còn tự thưởng cho mình bằng những giây phút thư giãn bên cạnh những quyển sách viết về thiếu nhi, truyện tranh lành mạnh. Ngay khi bắt gặp những hình ảnh không trong sáng, em sẵn sàng chuyển ngay qua quyển sách khác và nhắc nhở bạn bè không nên đọc những quyển sách ấy. Bởi, đọc sách là cách học tập đạo đức, văn hóa, chỉ nên lựa chọn học những điều tốt đẹp như cha mẹ, thầy cô hướng dẫn. Sách như một người thầy, người bạn nên mình chỉ nên lựa chọn thầy tốt, bạn tốt” - bạn Trần Ngọc Quỳnh Như (học sinh lớp 4D, Trường Tiểu học Nguyễn Du) bộc bạch.
NGỌC GIANG