Rong ruổi vùng núi An Giang - Kỳ 1: Huyền tích ở Thủy Đài Sơn

05/04/2024 - 15:46

 - Từ lâu, An Giang được lữ khách biết tới là vùng “bán sơn địa” có đồi núi đan xen đồng bằng. Mỗi ngọn núi đều gắn với những câu chuyện huyền thoại thời khẩn hoang của cha ông thuở trước. Đây được xem là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất biên cương, thu hút hàng triệu du khách khắp nơi đến thưởng lãm.

Trên đỉnh núi Nước

Nằm lọt thỏm tại cánh đồng Ba Chúc (Tri Tôn), Thủy Đài Sơn (núi Nước) là ngọn núi thấp nhất trong dãy Thất Sơn huyền bí. Thuở xưa, nơi đây từng in dấu của bậc tiền nhân, với nhiều câu chuyện kỳ bí được lưu truyền trong dân gian.

Chuyện phá ếm trên núi

Sáng sớm, núi Nước chìm đắm trong màn sương mờ ảo, trông như bức tranh sơn cước tuyệt đẹp! Chiều cao ngọn núi “khiêm tốn” nên du khách chinh phục dễ dàng. Khác với những ngọn núi trong dãy Thất Sơn có độ cao trung bình từ 500 – 716m, mỗi lần chinh phục toát mồ hôi, nhưng ngọn núi này chỉ cao hơn 50m, chu vi khoảng 1.000m nên vãn cảnh rất thú vị. Khi bước qua những tảng đá bàn, quan sát xung quanh, ngọn núi Nước cũng chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, dưới chân núi là Linh Bửu Tự, do Đức Bổn Sư Ngô Lợi thành lập năm 1884 ẩn chức nhiều câu chuyện kỳ bí.

Ông Ngô Văn Chiến (65 tuổi), một tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho hay, trước đây, ngôi chùa được cất bằng tre, lá. Qua 6 lần trùng tu, ngôi chùa Linh Bửu được xây dựng lộng lẫy, cổ kính, với kiến trúc “thượng lầu, hạ hiên”. Nóc chùa có hình rồng thăng, hình quả bầu tượng trưng cho vũ trụ và thiên – địa – nhân, biểu tượng của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Bên trong thờ Đức Quan Âm, Cửu Thiên Huyền Tử, Hộ Pháp Lâm Thiên và thập bát vũ khí, tam bảo, bên trên được trạm trổ rồng, phụng uốn lượn.

Từ trên nền chùa nhìn xuống sẽ bắt gặp cây cột cờ cao vút được làm bằng gỗ sao. Theo ông Chiến, cột cờ này khoảng 20 năm thay một lần. Để có nguồn gỗ sao thay thế, nhà chùa đã cho trồng những cây sao gần đó, đến khi nào gỗ cột cờ mục thì bà con tín đồ hạ cây sao mới xuống và đẻo thành cột cờ, rồi dựng lên. Cột cờ trước chùa tượng trưng cho sự uy nghi, trường tồn theo thời gian của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Có thể khẳng định rằng, ngôi chùa Linh Bửu là một trong 14 ngôi chùa được Đức Bổn Sư Ngô Lợi được thành lập thời “khẩn hoang” mang đặc trưng riêng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại vùng “thánh địa” Ba Chúc xưa. Hàng ngày, bà con “bổn đạo” luôn tu hành, đến chùa cúng vái, giữ gìn, tôn tạo để ngôi chùa giữ mãi nét đẹp trường tồn theo thời gian. “Sau Tết là thời điểm du khách đến chùa ngày càng đông. Cổng chùa luôn rộng mở chào đó du khách khắp nơi đến cúng kiếng. Bà con nào có nhu cầu ở qua đêm, nhà chùa bố trí phía sau chánh điện”, Ông Chiến cho hay.

Tương truyền, ngày xưa, Đức Bổn Sư Ngô Lợi từng đặt chân đến ngọn núi Nước. Hồi đó, rừng hoang, nước độc, từ Cù Lao Ba, Đức Bổn Sư hướng dẫn tín đồ băng đồng vào núi Tượng. Khi đến Vĩnh Thông (cách núi Tượng 4 km), Đức Bổn Sư Ngô Lợi khoác tay ra hiệu cho tín đồ dừng lại tạm trú bên bờ kênh, rồi cùng một số đệ tử lên núi Tượng để xem phong thủy, rồi chọn vị trí làm trung tâm truyền đạo. Một ngày nọ, Đức Bổn Sư băng rừng đến Thủy Đài Sơn, bỗng dưng cản các đệ tử lại không cho đi tiếp.

Ông Ngô Lợi cho rằng, nơi đây có làn khí độc và hung thần đang chực chờ phía trước. Vì khí độc phát hiện từ hang thuồng luồng, nơi trũng phía Tây. Còn những hung thần trú ở bọng cây đa to, do người Tàu trấn ếm. Đức Bổn Sư Ngô Lợi giải thích cho các đệ tử: “Có một giáo phái phù thủy rất lợi hại, chuyên đi ếm đối khắp nơi. Đặc biệt là chọn các nước láng giềng, khi họ thấy nơi nào phong thủy đẹp thì họ trấn ếm”.

Theo quyển Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương và hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, khi giải thích xong chuyện người Tàu trấn ếm, Đức Bổn Sư Ngô Lợi dắt đệ tử trở về núi Tượng. Hôm sau, ông cùng 50 đệ tử trở lại Thủy Đài Sơn để lấp hang thuồng luồng, đốn hạ cây đa và đào lấy cây ếm đem tiêu hủy. Sau này, người Tàu (ngụ ở Hà Tiên) hay tin Đức Bổn Sư đã lấp hang thuồng luồng và phá ếm, họ báo cáo với bọn Pháp, tại kênh Vĩnh Tế có một người cách mạng đang triệu tập tín đồ để chuẩn bị chống Pháp.

 Từ đó, nhà cầm quyền Pháp để ý đến những hành động của Đức Bổn Sư. Điều này cũng là một trong những vấn đề khởi nguồn cho việc khủng bố đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thời bấy giờ. Tuy biết vậy, nhưng ông vẫn không lùi bước trước bạo lực vẫn hướng dẫn tín đồ đến phía Đông núi Tượng khai hoang, mở đạo, lập thôn ấp, cất chùa, miễu để lưu truyền cho hậu thế đến ngày nay. Về sau, ngọn núi Nước được người dân trong vùng xem là ngọn núi thiêng nằm trong bảy ngọn núi hùng vĩ cho tới bây giờ.

Khuôn viên Linh Bửu Tự

Qua bao đổi thay

Ông Chiến kể, ngọn núi này tuy thấp, nhưng là nơi lưu dấu của các bậc tiền nhân, ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí thời khẩn hoang, lập làng. Nghe ông bà xưa kể lại, trước vùng này hoang vắng, thú rừng rất nhiều. “Tại ngọn núi này người đi trước truyền miệng nhau có gặp cặp mãng xà to bằng cây chuối ẩn náo trên núi. Tuy nhiên, cặp rắn này rất hiền không làm ảnh hưởng tới ai. Về sau, cặp mãng xà đã rời khỏi núi Nước, người dân không còn thấy chúng nữa”, ông Chiến cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên núi có một chỗ trũng được ai đó ngăn lại thành cái hồ nhỏ và xây thêm một con rùa bằng đá. Khi mưa xuống, cái hồ này chứa đầy nước được ai đó trồng sen. Mùa khô, nước bốc hơi, hồ khô trơ đáy. Hỏi thăm mới biết nơi đây từng là chỗ Đức Bổn Sư Ngô Lợi cùng đệ tử đào cây ếm đem tiêu hủy, từ đó tạo thành cái hố trũng như vậy. Chúng tôi tuột dốc phía bên kia vách núi, gặp chú Tư Sơn (71 tuổi) nhà dưới chân núi Nước. Ngồi thư thả bên vách núi, chú Tư Sơn kể rằng, xưa kia núi Nước hoang vắng lắm!

Đường sá đi lại khó khăn, nhà chú Tư nằm sát vách núi đã chứng kiến biết bao đổi thay tại vùng đất này. Hồi xưa, núi Nước có ngôi chùa Linh Bửu chỉ có một vài người đến quét dọn, thắp hương. Trời sụp tối, nơi đây buồn hiu hắt, ai cũng vọt lẹ về nhà. “Nhà tui dưới dân núi cặp mé ruộng, có một cái giếng nước trong xanh, mát lạnh dùng để uống hàng ngày. Sau này, có một bà đến đây lập một cái miếu tu cũng sử dụng nguồn nước giếng này. Nhiều khi bà này còn cho rằng, nguồn nước giếng này uống vô trị bệnh này nọ…”, ông Tư Sơn cười khục khặc, rồi nói rằng cũng tại cái giếng này còn nhiều câu chuyện người ta thiêu dệt lắm.

Bất chợt, chú Tư Sơn nhớ đến câu chuyện tên ác ôn Bảy Đởm từng đến cái giếng này tắm vào mỗi buổi chiều. Thời đó nghe đến anh Bảy Đởm, bà con vùng Bảy Núi rất sợ và căm hận hắn như tên “đồ tể”. Hắn chuyên mặc đồ bà ba, đội nón cối, tay cầm cây gậy, trong mình lúc nào cũng có khẩu súng ngắn, chuyên hà hiếp dân lành.

Người ta đồn thổi tên Bảy Đởm cùng ông Chau Kem lên núi Tà Lơn học được thứ võ gồng, nên thân thể luyện đến mức thượng thừa “đao thương bất nhập, mình đồng da sắt”. Thậm chí, súng, lựu đạn không xuyên qua nổi. Nhiều lần Bảy Đởm móc nhíp lựu đạn cho nổ tung hoặc kêu lính bắn thẳng vào người mà hắn ta không bị gì.

Nhưng tất cả những lần biểu diễn đó toàn là chiêu trò lừa bịp của hắn để lừa gạt mọi người. Sau đó, tên Bảy Đởm đã bị bắn “hạ” tại khu vực núi Kéc trên đường đi công tác bằng xe jeep về nhà. “Nghe tên Bảy Đởm đền tội, người dân vùng Bảy Núi mừng hả hê”, chú Sơn nhớ lại.

Ngoài ra, xưa kia tại ngọn núi Nước, bà con vùng Ba Chúc thường lui tới luyện võ vào những đêm trăng sáng để rèn luyện sức khỏe và phòng thân. Ông Tạo, người từng luyện võ trên núi Nước nói rằng, thời quá khứ vùng này hẻo lánh, cướp bóc lộng hành, giặc giã liên miên. Bà con rủ nhau luyện võ cổ truyền phòng thân và trừ gian diệt bạo. Rồi từ đó, vùng đất này được mệnh danh là nơi luyện võ cổ truyền nổi tiếng.

Ngày nay, vào dịp rằm, lễ lớn trong năm, người dân khắp nơi đổ xô về núi Nước tham quan, vãn cảnh, rồi viếng chùa. Các hoạt động nấu cơm, chiên bánh xèo đãi khách diễn ra tại hậu liêu rất nhộn nhịp. Từ đó, hình thành nét văn hóa đa sắc vùng “thánh địa” Ba Chúc ngày nay.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu, giảng viên Khoa Du lịch và Văn hóa nghệ thuật Trường đại học An Giang, Đức Bổn Sư Ngô Lợi (sinh năm 1831) tại Mỏ Cày, Bến Tre. Trong giai đoạn (1867 – 1890), Đức Bổn Sư Ngô Lợi đến cù lao Ba (xã Vĩnh Trường, huyện An Phú) khai đạo. Sau đó, ông cùng tín đồ vào núi Tượng (Ba Chúc) khẩn hoang lập làng, kháng chiến chống Pháp cho đến khi viên tịch. Linh Bửu Tự dưới chân núi Nước nằm trong 14 ngôi chùa được Đức Bổn Sư Ngô Lợi thành lập cho tới bây giờ (còn tiếp).

LƯU MỸ