Đông đảo du khách cúng viếng trên vồ Hội
Núi cao mây ngàn
Tháng 4, tiết trời Bảy Núi hanh hao, cây rừng trơ trọi lá. Tuy nhiên, khi đặt chân lên đỉnh núi Tô không khí mát mẻ, mây mù giăng kín lối đi. Có mặt tại điện đá chuông từ sớm, mây ôm ấp cây rừng mờ mịt không còn thấy rõ mặt người. Châu, một “tay lái lụa” trên đỉnh núi Tô nói rằng, nơi đây cao trên 600m. Do đó, mây mù luôn xuất hiện quanh năm.
Vào mùa mưa, mây phủ âm u, xe lưu thông qua lại phải bật đèn. Vồ đá chuông nằm chếch về hướng Đông Nam, với hàng ngàn tảng đá, hòn đá nằm trải dài như có bàn tay của “đấng siêu nhiên” sắp chồng lên nhau. Điều độc lạ tại đây có một thớ đá phát ra âm thanh giống như tiếng chuông. Hàng ngày, lữ khách phương xa lên đây vãng cảnh, chụp ảnh rần rần. Nhờ có “chuông đá” thiên nhiên này nên nơi đây được xem là địa chỉ khá hấp dẫn.
Lách mình qua đoàn khách đông đúc, anh Trung, một du khách ở tỉnh Long An có mặt trên điện đá chuông từ rất sớm. Hỏi thăm mới biết, anh là “phượt thủ” U50 sức khỏe cường tráng. Mờ sáng, từ dưới chân núi anh Trung “cuốc” bộ lên tới đỉnh, với đoạn đường dốc hơn 9km. Anh cho hay, đã lội bộ qua các ngọn núi trong dãy Thất Sơn. Riêng, ngọn núi Tô, đây là lần đầu tiên anh chinh phục đỉnh.
“Thật lạ, trong các ngọn núi tôi đều đi qua không có tảng đá nào lại phát ra tiếng hao hao tiếng chuông như vậy. Dúng là thiên nhiên rất kỳ bí. Ngoài ra, khu vực điện đá chuông này có khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tốt, tôi hít thở không khí rất trong lành”, anh Trung tâm sự. Khu vực điện Đá Chuông được người dân trên núi lập một ngôi miếu thờ mẫu khá đơn sơ. Mỗi ngày, nơi đây thu hút hàng trăm du khách đến cúng viếng và gõ chuông đá, rồi ghi lại vài hình ảnh độc đáo về khoe với bạn bè.
Rời điện Đá Chuông, chúng tôi leo qua Điện Kính, nơi đây được người dân xây miếu thờ tự để du khách ghé qua tham quan cúng viếng. Khu vực này còn khá vắng vẻ, nhà cửa lưa thưa, quạnh quẽ. Châu nói tôi, sau Tết kéo dài đến lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, du khách từ khắp các tỉnh lên núi cúng viếng rất nhiều. Nhờ vậy, cuộc sống bà con đỡ buồn hơn. “Mùa mưa, bà con chủ yếu trồng măng, cây ăn trái, du khách ít lên đây, cuộc sống bà con buồn lắm!”, Châu cho hay.
Cạnh đó, những ngôi chùa xây cất tạm bợ, vậy mà cũng có du khách từ miền Trung vào đây hành lễ. Gặp ông Trần Văn Ký ở Bình Thuận loay hoay đốt nén nhang khấn vái. Ông Ký tâm sự: “Có người thân tu trên núi Tô, gia đình tổ chức vào đây cúng rằm. Trên đây vắng vẻ, xa chợ, gia đình ông đã mang thực phẩm từ dưới đồng bằng để nấu đồ chay cúng phật. Khung cảnh trên núi Tô vắng lặng, khí hậu mát mẻ dễ chịu”.
Điện Đá Chuông
Chùa chiền tịch tĩnh
Ngược qua vồ Hội, hướng chênh chếch về Tây Nam, phóng tầm mắt nhìn xuống cánh đồng xã núi Tô, những cây thốt nốt đang vươn mình trong nắng, trông như bức tranh thôn quê tuyệt mỹ. Vồ Hội là địa chỉ tâm linh nổi tiếng thu hút hàng ngàn lượt khách đến cúng kiếng chùa chiền, am, cốc nơi đây. Theo những bậc cao niên trên núi kể rằng, dân gian tương truyền thuở ban sơ trên vồ Hội có một vồ đá bằng phẳng rộng hơn 2.000m2, nằm thoi loi giữa trời.
Đêm xuống những vị tiên hạ phàm đàm đạo, nên có tên vồ Hội từ đó. Hiện nay, tại vồ Hội, người dân xây điện thờ Vương Mẫu, Ngọc Hoàng, Sơn Thần và các vị Thánh Mẫu. Ông Tư Thành chủ quán nước nằm trên vồ Hội cho hay, vào ngày lễ, Tết, rằm lớn vồ Hội thu hút từ 500 – 1.000 du khách đến cúng kiếng. Nhiều đoàn khách còn ngủ qua đêm để tận hưởng cảnh thanh tịnh trên núi này.
Nhờ du khách đến đông đúc nên quán của ông Tư Thành bán nước, thức ăn đắt như “tôm tươi”. Hôm ghé quán ngồi thư thả, chúng tôi quan sát thấy gia đình ông Tư Thành bưng nước, thức ăn nườm nượp cho du khách. Quán này chủ yếu bán đồ chay như: hủ tíu, cơm, mỳ gói, bún, nhưng du khách đến ăn mạnh. “Ngày rằm, bà con phương xa đến đây mua đồ chay cúng kiếng chùa, chiền. Họ thành tâm khấn vái xong sau đó, ngồi ăn tập thể tại vồ Hội rất vui”, ông Tư Thành trần tình.
Nhiều du khách đến đây thường xuyên vào các ngày rằm trong năm. Họ và chủ quán như những người thân quen. Mỗi khi, họ lên núi cúng thì chủ quán làm mâm cơm chay để cúng phật. Ông Nguyễn Văn Út Lớn quê ở Sóc Trăng nói rằng, rằm tháng giêng năm nào gia đình ông cũng lên vồ Hội cúng cơm chay. Dùng cơm xong, gia đình đi tiếp qua điện Đá Chuông, điện Kính, chùa Vân Long, điện Bàn Chân Tiên vãng cảnh.
Dưới chân núi Tô nhìn lên mây mù lãng đãng
Mặc dù, nằm trên non cao, nhưng tại vồ Hội người dân bày bán nhiều thức ăn, nước uống trái cây phục vụ khách tham quan. Lên núi cúng kiếng, du khách không cần phải xách thức ăn, trái cây vẫn có người phục vụ. Cô Mười bán bánh bao chay hơn 20 năm trên núi Tô bộc bạch: “Tôi bán bánh bao chay đã lâu. Nắm bắt được nhu cầu bà con chủ yếu dùng đồ chay cúng chùa chiền nên tôi làm bánh bao nhưn chay. Do đó, mỗi ngày, tôi bán hàng trăm chiếc bánh bao, bỏ sở hụi, kiếm hơn 200.000 đồng”.
Tuột dốc khoảng 2km đến điện Sân Tiên, nơi đây là bãi đá trống có bàn đá tự nhiên, cạnh đó vài mét có một dấu bàn chân rất to. Người dân trên núi gọi đây là bàn chân tiên, hàng ngày du khách đều đến đây ướm thử. Bà Chín Luận 87 tuổi nhà gần điện Sân Tiên nói rằng, bà sống trên núi Tô gần 60 năm. Ngày trước, nơi đây hoang vắng, có cả thú rừng, cọp, beo, khỉ. Mỗi khi vợ chồng bà phát rẫy trồng vườn đều ngó tới ngó lui đề phòng thú dữ.
Bên chỗ sân tiên có bàn đá tiên và bàn chân tiên nằm gần nhau. Nhưng theo thời gian bãi đá ngày càng lớn dần, bàn chân tiên và bàn đá nằm cách xa nhau. Do đó, muốn ướm thử bàn chân tiên, du khách phải bước xuống bậc thang. Hàng ngày, nơi đây thu hút rất đông khách du lịch. Mặc dù, trên núi cũng lắm khó khăn, nhưng bà con sống giàu nghĩa tình. Vào dịp rằm, bên chái bếp ngôi chùa, bà con nấu cơm chay cúng kiến và thiết đãi du khách xa gần.
“Vào ngày rằm, con cháu tôi lên chùa nấu cơm chay, nấu kiểm cúng rồi mời du khách ghé qua dùng. Ngoài ra, tôi còn tặng cho mấy chú xe ôm hộp cơm chay, bọc kiểm mang về nhà ăn”, bà Chín Luận trần tình. Hôm ghé vào ngôi chùa Vân Long, gặp sư cô Hạnh Thủy đang nấu nồi tàu hủ to tướng chuẩn bị cúng cơm và đãi du khách thập phương. Phía trong gian bếp, nhiều người xúm xít bên nhau nạo dừa, gọt khoai, lặt rau, rôm rả một góc trời.
Những ngôi chùa trên núi Tô tuy không khang trang, sặc sở, nhưng hoang sơ, cổ kính. Hàng ngày cửa chùa luôn rộng mở chào đón khách phương xa về đây cúng viếng, hít thở không khí trong lành trên chốn non cao (còn tiếp).
LƯU MỸ