Sắc màu từ đất

08/02/2019 - 09:45

Là đất, là điệp, là màu vẽ, là bàn tay tài khéo của nghệ nhân làng tranh Đông Hồ. Những chú lợn phỗng đất đã ra đời như thế. Như bước ra từ lòng đất và những sắc tranh dân gian nơi đây.

Hai vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp nặn lợn đất và bộ con giáp - Ảnh: Lê Bích

Đồ chơi năm cũ

Bà Nguyễn Thị Điểu (làng Đông Hồ, Bắc Ninh) cho tảng đất khô màu nâu vàng vào cối giã nhỏ. Rồi bà sàng lại đất. Những miếng đất nhỏ mắc lại phải giã tiếp cho đến khi lọt được sàng, mịn như bột. Xong việc, bà mở chiếc xô có nắp bên trong đầy một thứ đặc đặc ghi ghi, mùi đã oải. Đó là giấy đã ngâm ải trong vòng 7 ngày. “Chúng tôi đào đất rồi phơi, để đó. Khi nào dùng đến thì giã ra để trộn với bột giấy đã ngâm để nặn con giống. Giấy cũng phải ngâm cho nhuyễn. Còn bột điệp kia là điệp làm tranh Đông Hồ đấy. Dùng để quét lên con giống khi đã nặn xong”, bà Điểu nói.

Nhưng bà Điểu chỉ làm một số việc hậu cần của cả chuỗi việc làm con giống, còn gọi là phỗng. Ông Phùng Đình Giáp, chồng bà, mới là người cầm trịch mọi chuyện. Ông vừa bốc giấy ngâm nát nhừ trộn với bột đất nhuyễn vừa nói: “Giấy nhuyễn rồi, ngâm đủ 7 ngày nó dừ rồi thì không lọc cái gì hết cũng mịn. Khi bóp nhỏ được thì trộn lẫn vào bột đất, làm sao để hai thứ lẫn vào với nhau. Lẫn rồi lại mang ra lấy chày đập tiếp như giã bánh cho dẻo. Sau đó thì mang ra nặn”.

Sau cùng, đất đã được như ông muốn. Nó hơi nâu vàng pha xám. Dẻo. Và ông Giáp lúc đó chỉ vê vê, bóp bóp là đã tạo hình được một con lợn theo ý mình. Ở góc sân, bà Điểu đang đổ nồi hồ quấy trắng nhàn nhạt bằng bột nếp vừa nguội vào chậu nhựa đang đựng bột điệp. “Phải phơi khô tự nhiên chứ không sấy được. Để nó khô đều. Sau đó, quết bột điệp lên, lại phơi nữa. Như thế sẽ có nền trắng tươi. Sau cùng chúng tôi mới vẽ. Hoặc không vẽ màu cũng được, thì phải vẽ nét bằng que tre, bằng bút như nặn tượng”, bà Điệp nói.

Lợn đất nhiều màu của ông Giáp - Ảnh: Trinh Nguyễn

“Mình làm để con cháu biết”

Ông Giáp cho biết, trước đây cả năm người Đông Hồ chỉ một lần nặn phỗng đất vào Trung thu. “Lúc đó chúng tôi nặn mấy con vật, mâm quả trung thu để chơi thôi, không bán. Gọi là ông cha có làm việc đó thì mình làm để con cháu biết. Nhưng sau, có cô Hòa (Giám đốc Bảo tàng Cổ vật) nói tôi sao không làm đi để nhiều nơi biết. Thế là tôi làm. Cô ấy cũng bán hộ quanh năm”, ông Giáp nói.

Những món đồ “chuẩn Trung thu” xưa của làng Đông Hồ chỉ bé xíu, nằm trong lòng bàn tay. Nó nhỏ lắm. Bây giờ, ông Giáp cũng chủ yếu làm những cỡ như vậy. Song ông còn làm thêm những loại khác nữa, kích cỡ lớn hơn. Năm nay, ông còn loay hoay làm thêm bộ 12 con giáp, bộ ông tam đa để bán vào Tết âm lịch. Nhưng ông dự kiến, lợn vẫn là mặt hàng “chủ lực”.

Một loại, ông vẽ với các vật liệu của tranh Đông Hồ. Cách ông vẽ cũng rất dân gian, đúng như lợn đang bước ra từ trong tranh vậy. Da trắng có, vàng có, hồng có. Trên mình lợn có hình tròn thái cực sinh lưỡng nghi là Âm dương. Chi tiết này giống lợn Âm dương trong tranh Đông Hồ. Cũng có cả những chấm bi mà chả hiểu sao ông lại vẽ thêm.

Nhưng còn một loại lợn khác. Ông Giáp làm với tư vấn mẫu của họa sĩ Phương Giò, một người nhiều năm sống chết với các dòng tranh dân gian miền Bắc. Một loại ông để mộc, để thấy màu đất, màu giấy nhuyễn với nhau rất duyên. Tuy nhiên, sau khi phơi 2 ngày, ông Giáp lại dùng thanh tre để đánh bóng. “Dùng thanh tre đánh bóng như thế, lợn lên một màu ghi pha nâu bóng rất duyên”, nhiếp ảnh gia Lê Bích nói.

Theo Thanh Niên