Mỗi ngày như mọi ngày, nhà thơ, nhà giáo Bùi Kim Anh (sinh năm 1948) duy trì thói quen làm thơ. Lúc thì có cây bút, tờ giấy, lúc thì bà gõ nhanh vào mục ghi chú trong điện thoại. Viết thơ mỗi ngày giúp bà rèn luyện trí óc, nuôi dưỡng tâm hồn, và quan trọng nhất là có thể gửi gắm tâm sự vào thơ.
Dù trong số 65 tác giả, có những người đã thành danh với hàng chục tập thơ, có những người chưa từng có một bài thơ nào được in báo, thì khi đến với thơ, họ đều bình đẳng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khi có một bài thơ ưng ý, nhà thơ Kim Anh lại chia sẻ với những người bạn của mình trong nhóm Facebook Đàn bà và Thơ. Là thành viên đồng sáng lập và quản trị viên của nhóm, mỗi ngày bà đều vào để đọc và bình thơ của mọi người...
"Sân chơi chữ" cho phụ nữ yêu thơ
Nhà thơ Bùi Kim Anh cùng những người bạn thân thiết của mình lên ý tưởng thành lập một nhóm thơ trên Facebook năm 2018, xuất phát từ tình yêu thơ và nhu cầu chia sẻ những bài thơ-những chuyện đời cho bạn bè của mình.
“Chúng tôi nhận thấy nhiều người bạn và chính bản thân cũng thường chia sẻ những bài thơ lên trang cá nhân, như tâm sự với người bạn, người thân của mình, như đang nói với chính mình cho nhẹ lòng. Từ đó, chúng tôi nghĩ đến việc xây dựng nên một ‘sân chơi chữ’ cho những người người phụ nữ yêu thơ,” nhà thơ Bùi Kim Anh cho biết.
Nhà thơ Bùi Kim Anh, quản trị trang Đàn bà&Thơ và một trong những người khởi xướng dự án sách "Đàn bà thơ." (Ảnh: NVCC)
“Chỉ riêng tên nhóm thôi cũng đã có rất nhiều đề xuất, phải cân nhắc rất lâu, không thể là ‘thi đàn,’ ‘văn đàn,’ những cái tên đó đã quá quen thuộc. Không thể là ‘bóng hồng’ hay những từ ngữ phù phiếm, sáo rỗng khác. ‘Nữ sỹ,’ ‘thi nhân,’ thì nghe to tát quá. Cuối cùng, chúng tôi chọn cái tên đơn giản nhất, khái quát nhất tất cả mọi điều về chúng tôi. Đó là Đàn bà và Thơ,” nhà thơ Bùi Kim Anh chia sẻ.
Sau khi thành lập nhóm, các thành viên quản trị bắt đầu mời bạn bè của mình tham gia. Rất nhanh chóng, trang thơ đã có tới gần 600 thành viên từ khắp mọi miền đất nước. Họ là những nhà thơ nữ, những giáo viên dạy văn, những người không viết thơ nhưng thích đọc thơ. Tất nhiên, trong đó có cả những người đàn ông nữa.
Mỗi sáng, công việc quen thuộc của nhà thơ Bùi Kim Anh cùng những thành viên ban quản trị là vào duyệt bài của mọi người. Gọi là duyệt vậy thôi, thực chất không có một sự khắt khe nào ở đây cả, có chăng thì ban quản trị sẽ sửa một vài lỗi chính tả, để những bài thơ được đăng lên trang thực sự là những câu từ đẹp đẽ và tử tế.
“Chúng tôi trân trọng mọi sáng tác và chia sẻ của các thành viên. Tuy nhiên, việc kiểm soát nội dung cũng khá vất vả. Ngày nào cũng có người xin vào nhóm. Tôi cũng xem xét cẩn thận, xem họ là ai, liệu họ vào nhóm với mục đích gì. Có những người là thành viên của hàng trăm nhóm một lúc. Có những người trên trang cá nhân không có nội dung gì nghiêm túc cả. Những người đó thì tôi không duyệt cho vào nhóm, để bảo đảm rằng đây thực sự là một sân chơi lành mạnh và chất lượng,” nhà thơ Kim Anh cho biết.
Cứ như vậy, nhóm thơ vận hành với hàng chục bài đăng mới mỗi ngày. Thơ thực sự là bầu trời tâm sự của những người phụ nữ, có thể còn vụng về nhưng chân thực, là tâm hồn, tình cảm của người đàn bà trải lòng trong thơ.
Chị Nguyễn Hồng Vân (Hà Nội) là một ví dụ như vậy. Chị yêu thơ từ khi còn rất trẻ nhưng mới chỉ thực sự làm thơ thời gian gần đây, sau khi đã nghỉ hưu. Vì vậy, nói về thơ, chị tự coi mình là một cô bé bắt đầu vào lớp một. Khi một người bạn là nhà thơ có uy tín giới thiệu chị tham gia vào nhóm Đàn bà và Thơ, chị đã ngại ngần bởi chưa tự tin chia sẻ tác phẩm của mình ở một sân chơi trên mạng xã hội. Sau đó, chị đã vào trang và đọc rất nhiều, đọc thơ rồi đọc cả những lời bình. Từ đó, chị Vân nhận thấy đây là một cơ hội để thưởng thức những vần thơ, để học hỏi, rút kinh nghiệm cho mình và hơn thế nữa, còn được chia sẻ những tâm sự của mình bằng thơ.
Tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân, một người làm thơ không chuyên có tác phẩm góp mặt trong tập thơ. (Ảnh: NVCC)
“Tôi thấy đây là một trang thơ rất 'phụ nữ’ như chính cái tên của nó. Các tác giả chăm chút kỹ lưỡng cho mỗi đứa con tinh thần của mình trước khi đăng lên trang. Vì thế, khi đọc thơ dù không phải bài nào tôi cũng thích nhưng trong mức độ đánh giá cá nhân thì tôi thấy đó đúng là những bài thơ chỉn chu, có cảm xúc, thi pháp phong phú, nhiều điểm đáng học tập,” chị cho biết.
Các thành viên đều có một cảm nhận chung rằng: Nhờ thơ, chị em mới có thể bày tỏ cảm xúc của mình, có thể tìm niềm vui và đôi khi là lối thoát cho đời sống tinh thần của mình.
Tuyển tập thơ của những niềm hạnh ngộ
Sau hai năm hoạt động, ban quản trị có ý tưởng tập hợp tác phẩm in thành một tập thơ để lưu giữ, làm kỷ niệm. Thế là từ một đời sống ảo trên mạng, những vần thơ đã được hiện thực hóa thành những trang sách được trình bày rất đẹp.
Cầm trên tay cuốn "Đàn bà thơ," người đọc dễ dàng nhận thấy mọi ranh giới tuổi tác, địa vị đều bị xóa nhoà. Dù trong số 65 tác giả, có những người đã thành danh với hàng chục tập thơ, có những người chưa từng có một bài thơ nào được in báo, thì khi đến với thơ, họ đều bình đẳng. Thứ tự xuất hiện của các tác giả được sắp xếp theo bảng chữ cái. Mỗi tác giả tự chọn 5 bài thơ ưng ý nhất của mình để đưa vào cuốn sách.
Dù chưa từng gặp nhau ở thế giới thực, nhưng họ đã gặp nhau ở một điểm chung là yêu thơ, muốn được giãi bày những tâm sự, những nỗi niềm rất đàn bà trên trang viết. Ở đó có thể là câu chuyện tình yêu với biết bao nhớ nhung tiếc nuối, những đau khổ tan vỡ mong manh, là tâm sự nói với chồng, với con, cả những long đong lận đận đường đời, là tình cảm giãi bày với quê hương, là trăn trở với thơ ca khi đặt bút khai sinh hình hài cấu tứ…
Với chị Võ Khánh Thủy (1975) hiện là giáo viên ở Hà Tĩnh, một trong số 65 tác giả của cuốn sách, thơ cất lên tiếng lòng của con người. Chị thích đọc thơ và làm thơ, đặc biệt là thơ tình. Mỗi ngày, chị lên nhóm và đọc những bài thơ, thậm chí đọc đi đọc lại nhiều lần để thưởng thức, nâng niu và chiêm nghiệm.
“Thơ là thế giới cảm xúc. Qua một số bài thơ trong cuốn sách này, tôi đã gặp nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều mảng màu sắc thời gian, nhiều thanh âm có thầm kín, có chênh vênh vụn vỡ, có mộc mạc chân thành gần gũi rất đời... Có lạ, có quen, có trúc trắc buồn bã nhưng cũng có những nốt nhẹ tênh... có trữ tình, tự sự, triết lý, mơ màng,” chị chia sẻ.
Cuốn sách chất chứa tâm sự của 65 tác giả nữ. (Ảnh: Bùi Thanh Hà/Vietnam+)
Với “Đàn bà thơ,” người đọc có thể tìm được những bài thơ hay từ một tác giả mà tên tuổi còn khá mới lạ trên thi đàn. Dù những bài thơ chưa thật tròn trịa, nhưng người đọc cũng không bị thất vọng bởi họ cảm nhận thấy sự chân thành cũng như nội tâm, họ tìm thấy một câu chuyện của tác giả thật đằm thắm, sâu thẳm bên trong. Mà nếu không có thơ thì chúng ta khó lòng biết được bí mật của câu chuyện ấy. Đó là niềm hạnh ngộ của những người đàn bà sẵn lòng đón nhận cuộc đời vốn nhiều thăng hoa và cũng đầy bất trắc.
Nhà thơ Bùi Kim Anh đã xuất bản 12 tập thơ và tản văn, nhưng với bà tập thơ này là điều vô cùng đặc biệt bởi nó ghi dấu một quãng đường hoạt động của sân chơi thơ trên mạng xã hội. Giữa thế giới ảo chứa đầy sự phù phiếm, bà đã thấy những nỗi niềm vô cùng chân thật. Thơ đã nâng đỡ tâm hồn hiền lành, yếu đuối của những người phụ nữ, giúp họ tìm thấy niềm an ủi khi đang phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống riêng như ly hôn, bị phản bội, hay mắc bệnh hiểm nghèo.
“Có một điều đáng tiếc nhất là tác giả Khánh Hồng (Đà Nẵng) không kịp cầm trên tay cuốn sách, chúng tôi chỉ có thể đặt nó trên bàn thờ của chị. Dù vậy, chúng tôi hiểu rằng, thơ đã nâng đỡ tâm hồn chị trong những ngày tháng chống chọi với căn bệnh ung thư,” nhà thơ Kim Anh ngậm ngùi chia sẻ./.
Theo MINH THU (Vietnam+)